Dòng sự kiện:
OCB trước thềm bán vốn: Điệp khúc lỡ hẹn lên sàn
11/01/2020 01:19:32
Làn sóng bán vốn cho đối tác ngoại gần đây đã lan đến các ngân hàng top dưới như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tuy vậy, OCB vẫn chưa hoàn thành được một mục tiêu đã đề ra: Lên sàn chứng khoán.

Ngân hàng Phương Đông đang lấy ý kiến cổ đông để phát hành riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phần (11% vốn điều lệ ) cho Ngân hàng Aozora. Nếu phát hành thành công, ngân hàng có trụ sở tại Nhật Bản này sẽ nắm gần 10% vốn điều lệ OCB.

Ngân hàng Aozora thành lập năm 1957, có trụ sở tại Nhật Bản và chi nhánh, văn phòng đại diẹn tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore... Nhà băng này có tổng tài sản 48 tỷ USD (hơn 1,1 triệu tỷ đồng) và đang niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

OCB cho biết giá cổ phiếu chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của OCB tại cuối quý gần nhất. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm. Sau khi phát hành cho ngân hàng Nhật Bản, OCB sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu còn lại.

Hiện nay, giá cổ phiếu OCB được thoả thuận trên sàn OTC dao động trong khoảng 14.100 – 15.900 đồng một cổ phiếu. Ước tính theo mức giá thấp nhất là 14.100 đồng cổ phiếu, Ngân hàng Aozora sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.225 tỷ đồng để mua số cổ phần của OCB.

Trước đó, OCB cũng đã hoàn tất phát hành gần 130 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên gần 7.900 tỷ đồng. Tính đến cuối quý III/2019, tổng tài sản của OCB là 106.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 67.976 tỷ đồng, huy động hơn 66.790 tỷ. Lợi nhuận trước thuế của OCB trong 3 quý đầu năm đạt gần 1.943 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9/2019 là 2,61%.

Và, nhiều câu hỏi cũng đã đặt ra, OCB làm ăn thế nào trước khi bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Nhiều thông tin đồn đoán rằng, lợi nhuận quý 4 của OCB có mức tăng trưởng đột biến trước ngày công bố BCTC quý 4/2019. Sự tăng trưởng ngoạn mục này liệu có bền vững hay không còn phải chờ xem xét chi tiết trong báo cáo tài chính quý. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên đó xuất hiện ngay trước thềm OCB bán vốn cho đối tác ngoại.

Trước đó, tại BCTC hợp nhất quý 3/2019 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cho thấy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ tăng nhẹ.

Thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt 2.973 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng gần 87% để lên mức 391 tỷ đồng lãi thuần. Hoạt động khác cũng tăng gần 27% khi đạt 158 tỷ đồng.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều giảm từ 7-21%.

Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng gần 34%, lên mức 1.794 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 15%, chiếm 632 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC quí III/2019 của OCB

Về chất lượng nợ cho vay, 9 tháng đầu năm 2019, tổng nợ xấu nội bảng của OCB ở mức 1.778 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu kỳ. Trong đó, nợ dưới chuẩn tăng 50% lên 648 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng mạnh lên 453 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kì. Nợ có khả năng mất vốn của OCB tăng từ 676 tỷ đồng đầu kì lên 677 tỷ đồng.

OCB cũng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,28% lên 2,62%.

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2018, OCB có tới 1.288 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% hơn 863 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,79% lên mức 2,28%.

Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp, trong đó có việc bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đến hết năm 2020 nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa cho thị trường này.

Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Để thực hiện yêu cầu trên, các nhà băng đã có nhiều nỗ lực từ đầu năm đến nay, song vẫn chưa thể hoàn thành. Nhiều ngân hàng chọn năm 2018 là năm chào sàn chứng khoán và OCB cũng vậy. Kế hoạch lên sàn của OCB từng được chuẩn bị kỹ lưỡng và khá rầm rộ. Nếu đúng như dự kiến thì OCB sẽ là ngân hàng thứ 4 niêm yết trên HOSE trong năm 2018, sau HDBank, TPBank và Techcombank. Tuy nhiên, chuyện lên sàn của OCB chỉ là hứa hẹn suông.

Trước đó vào năm 2017, OCB cũng đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ 2018. Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi cuối tháng 3/2018, lãnh đạo OCB cho biết khả năng cao sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn.

Dung Hoàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến