Dòng sự kiện:
Ổn định sản xuất, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu: Dư địa để xuất siêu cả năm 2021
11/10/2021 11:15:51
Cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có

Ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong loạt bài VOV đã đăng, bài viết “Đi tìm lời giải cho bài toán giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm”- cũng là chân kiềng thứ nhất - “đầu tư”, trọng tâm là đầu tư công - trong loạt bài “Tận dụng cơ hội bình thường mới: Tập trung 3 chân kiềng cho tăng trưởng kinh tế”. Với chân kiềng thứ 2 là “xuất khẩu” - “Đâu là giải pháp để ổn định sản xuất, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu: những dư địa để xuất siêu cả năm 2021?”. Đây cũng là chủ đề của bài 2 trong loạt bài viết này.

“Hiện nay vẫn nhập siêu nhưng tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của chúng ta 9 tháng qua vẫn đạt 18,8%, thì điều này là một nỗ lực không mệt mỏi. Một tín hiệu mừng như chúng ta thấy là trong tháng 9 này chúng ta đã có xuất siêu và theo đà này, có thể 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ tiếp tục nâng tốc độ xuất khẩu lên và rất có thể chúng ta sẽ bảo đảm cân bằng cán cân thương mại xuất nhập khẩu…”, - đó là những tín hiệu tích cực về hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) 9 tháng năm nay được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Khối Công Thương địa phương cuối tuần qua. Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhấn mạnh: để có thể cân bằng cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu, rất cần những giải pháp mạnh từ tất cả các cấp ngành và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, người dân.

 

Hiện nay vẫn nhập siêu nhưng tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu 9 tháng qua vẫn đạt 18,8%. (Ảnh minh họa: KT)

Nhưng trước hết, chúng ta cùng nhìn lại hoạt động xuất, nhập khẩu qua 9 tháng của năm - để có thể thấy rõ những bước ngoặt tăng trưởng trong ngắn hạn - gắn với những tác động trực tiếp, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, cả những nỗ lực, thách thức cần phải vượt qua.

Nếu như trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi tích cực với những kết quả đáng ghi nhận từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường: Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số (động lực tăng trưởng của nền kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,7%); Kim ngạch XNK đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua - với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tới 28,3% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm ghi nhận xuất siêu 1,29 tỷ USD… thì bước sang tháng 5, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh - tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước (chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong lĩnh vực điện tử, cơ khí đã chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) - ngay lập tức hoạt động XNK bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhập siêu đã quay trở lại trong 5 tháng đầu năm 2021.

Ngay lập tức, cả hệ thống chính trị của Bắc Ninh, Bắc Giang cùng vào cuộc, liên tục họp bàn các giải pháp tháo gỡ, khơi thông hoạt động sản xuất, qua đó đảm bảo đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Tại thời điểm đó, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã nhấn mạnh phương án “sống chung an toàn với dịch” trên cơ sở “khoanh vùng” cách ly, thực hiện “3 tại chỗ” (cho công nhân ăn, ở, sản xuất ngay tại nhà xưởng, khu công nghiệp) và đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine cho người lao động.

“Bắc Giang khi đóng của 4 KCN để chống dịch thì đã dừng sản xuất 340 DN với hơn 140.000 lao động. Trước khi đóng cửa, chúng tôi đã họp trực tuyến với tất cả các DN trong 4 KCN để thông báo cho họ tình hình và bàn các phương án tổ chức lại sản xuất trong điều kiện có dịch - và phương châm của Bắc Giang là quyết tâm nối lại sản xuất, theo phương pháp là sản xuất để mà thích nghi với tình hình dịch, coi như là sống chung với dịch. Phương châm của chúng tôi là chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, ông Lê Ánh Dương khẳng định.

Không chỉ đóng góp quan trọng vào xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, mảng nông nghiệp - với trái vải thiều đặc sản chính vụ cùng thời điểm bùng phát dịch cũng được Bắc Giang coi trọng, thông qua thương mại điện tử và lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như (EVFTA và CPTPP) để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, cho giá trị kinh tế cao.

“Chưa bao giờ thương mại điện tử được tận dụng 1 cách triệt để và rộng rãi như trong thời gian qua - kể cả trên thị trường nội địa cũng như là thị trường nước ngoài. Nhìn vào quá trình xuất nhập khẩu thì chúng ta thấy rằng nhiều mặt hàng trước đây chúng ta phải giải cứu, nhưng nhờ áp dụng kinh tế số như vậy thì chúng ta lại XK được mùa, được giá”, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Chuyên gia thương mại cao cấp cho hay.

Thế nhưng, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động trực tiếp vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi chiếm tới 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng… song, hàng loạt các doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành hàng đều bị ngưng trệ trong suốt cả quý 3, khiến GDP cả nước âm tới 6,17% so với cùng kỳ. Hoạt động XNK cũng vì thế đã có những ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù kim ngạch XNK tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao (tới 24,4%) và tháng 9 đã có xuất siêu gần nửa triệu USD, song cán cân thương mại tính chung 9 tháng vẫn nhập siêu 2,13 tỷ USD.

Những khó khăn về nguyên liệu và lao động của doanh nghiệp ngành gỗ như chia sẻ của nhiều DN không chỉ là trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài của cộng đồng DN.

“Với nguồn nguyên liệu đầu vào giảm mạnh thì công ty sản xuất 2 ngày phải nghỉ 1 ngày, dây chuyền sản xuất viên nén thì chỉ làm vào ban đêm để giảm tiền điện”, ông Võ Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Sơn nói.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hợp lực tổng thể của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nền kinh tế, trong đó có những địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang… mà hoạt động XNK 9 tháng qua vẫn đạt tăng trưởng 2 con số, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 4-5% theo kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, 3 việc rất lớn mà chúng ta đã làm được: “Thứ nhất, là nỗ lực cao độ để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Nếu như chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh và duy trì được sản xuất xuất khẩu tại những trung tâm xuất khẩu lớn này thì xuất khẩu đã có thể còn giảm hơn nữa. Thứ hai là dồn toàn lực để làm sao bảo đảm được lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm cả hàng hóa là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như là hàng xuất khẩu trên đường ra các cảng biển để xuất khẩu. Điểm cuối cùng đó là, chúng ta đã giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu chính. Chính nhờ sự quan tâm này cho nên ngay trong những thời điểm khó khăn nhất thì các cảng biển ở khu vực TP.HCM về cơ bản vẫn hoạt động an toàn”.

Bước vào Quý 4, với những tín hiệu hết sức tích cực từ “tâm dịch TP.HCM” và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”. Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.

“Nhìn chung cả 9 tháng chúng ta đã đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu thì tương đương với 0,8%. Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn, và chúng ta còn 3 tháng của Quý 4. Chính vì vậy, nếu như không có biến động nào lớn về kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cũng hy vọng là 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam lấy lại sự phục hồi và đà tăng trưởng, thì lúc đó hoàn toàn có thể tin tưởng là kết thúc năm 2021 cán cân thương mại có thể cân bằng, và tình hình lạc quan hơn, vẫn có thể xuất siêu một tỷ lệ nhất định…”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nhận định.

Cuộc sống “bình thường mới” đang trở lại với những cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” tăng xuất khẩu tại chỗ thông qua tiêu dùng, giảm nhập siêu dịch vụ… Cơ hội là rõ, song nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại khi Việt Nam chưa đủ độ phủ vaccine, việc tăng cường các chuyến bay thương mại quốc tế, mở cửa đón khách du lịch… được nhấn mạnh cần “thận trọng”, cần phải có các bước đệm, lộ trình, bởi những bài học “mở cửa” từ các quốc gia phát triển hay từ chính chúng ta thời gian qua vẫn đang còn nguyên giá trị.

Ở một góc độ khác, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA cho cả cơ hội gia tăng xuất khẩu về lượng và chất nhưng cũng đang đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp cần cấu trúc lại các hoạt động của mình theo hướng bền vững..../.

Tác giả: Nguyên Long

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến