Nhiều chuyên gia dự đoán Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden sẽ "ngoại giao" và "mềm mỏng" hơn so với Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề ngoại giao và thương mại. Do đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cải thiện sau quãng thời gian khủng hoảng trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng dù ai lên nắm quyền ở Nhà Trắng, chính sách cứng rắn của chính phủ Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Thậm chí, chính phủ của ông Biden có thể trở thành mối đe dọa lớn với nền kinh tế Trung Quốc.
CNBC dẫn lời chuyên gia Jim O’Neill - cựu kinh tế gia trưởng ngân hàng Goldman Sachs, hiện là chủ tịch tổ chức Chatham House (Anh) - nhận định: “Theo tôi, Trung Quốc sẽ e ngại chính quyền Tổng thống của ông Biden hơn là chính quyền Tổng thống Trump”.
Theo South China Morning Post, tại một diễn đàn của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 28/11, ông David Li Daokui - giáo sư tại Đại học Thanh Hoa và là cựu cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Biden sẽ tiếp tục các chính sách có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc.
Nhiều khả năng ông Biden sẽ tiếp tục các chính sách chống Trung Quốc của ông Trump. Ảnh: Getty Images.
Tiếp tục các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc
Chuyên gia David Li cho rằng chính quyền ông Biden có thể sẽ áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào những ngành công nghiệp đặc thù của Trung Quốc trong thời gian tới. Và đây sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng cảnh báo các quan chức chính quyền Bắc Kinh rằng họ không nên loại trừ khả năng ông Trump sẽ quay trở lại chính trường Mỹ sau bốn năm nữa, vào kỳ bầu cử tổng thống năm 2024.
“Nếu phải đề cập đến những rủi ro mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong những năm tới, đáng lo ngại nhất sẽ là việc Tổng thống Biden ban hành chính sách một số ngành công nghiệp của Trung Quốc. Đó là một câu hỏi", ông Li phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc.
Theo ông Li, nội dung cuốn hồi ký mới được xuất bản của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho thấy Đảng Dân chủ rất lo lắng về sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc.
“Đảng Dân chủ lo ngại Trung Quốc đang từng bước xói mòn lợi thế quân sự, công nghệ và tài chính của Mỹ. Đảng Dân chủ cũng nói về việc cần phải hạn chế sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc để duy trì ưu thế của Mỹ”, ông Li nói.
Ông Biden từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Trung Quốc còn cảnh báo trong năm tới, một số công ty và ngành công nghiệp đặc biệt của nước này sẽ đối mặt nhiều thử thách. Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng - bắt đầu từ thời ông Trump - sẽ tiếp diễn.
Mới đây, Foxconn - đối tác chính của Apple - công bố kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam. Foxconn sẽ đầu tư khoảng 270 triệu USD cho sự chuyển dịch này.
Trung Quốc đối mặt với nguy cơ không còn là công xưởng được ưa chuộng của thế giới. Những động thái từ các công ty toàn cầu trong thời gian qua báo hiệu đợt chuyển dịch với quy mô lớn và lâu dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bẫy thu nhập trung bình và nhiều mối bận tâm khác
Theo ông Li, Mỹ và Trung Quốc sẽ đối mặt thời kỳ chuyển tiếp khó khăn trong giai đoạn đầu của chính quyền mới. Mối quan hệ giữa hai bên xấu đi nhanh chóng kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017. Hai cường quốc kinh tế xung đột về mọi phương diện, từ thương mại, công nghệ cho đến vấn đề về biển Đông và quyền tự trị của đặc khu Hong Kong.
Ngoài những thách thức từ chính quyền ông Biden, ông Li cảnh báo Trung Quốc cần cân nhắc đến sự trở lại của ông Trump khi xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo. Đồng thời, năm 2025 là thời điểm then chốt để Trung Quốc vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Theo Nikkei Asian Review, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011 và tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, với khoảng 400 triệu người, chỉ chiếm khoảng 30% dân số Trung Quốc.
Để so sánh, hơn 50% dân số Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Giá trị tiền tiết kiệm, tiền gửi và các tài sản khác của một hộ gia đình Trung Quốc vào khoảng 230.000 USD, chưa bằng 1/3 so với khoản tiết kiệm của những hộ gia đình ở Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như bẫy thu nhập trung bình, đô thị hóa kém bền vững. Ảnh: Reuters.
Theo SCMP, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người từ 10.410 USD/người trong năm 2019 lên ít nhất 12.536 USD/người vào năm 2025, mức thu nhập cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như thu nhập tăng chậm, đô thị hóa không bền vững và nợ xấu cao tại các chính quyền địa phương. Ông Li cho biết nhiều địa phương ở Trung Quốc sẽ không thể thực hiện cải cách lâu dài vì những vấn đề trước mắt.
Chi tiết kế hoạch 5 năm sẽ được chính phủ Trung Quốc coog bố vào tháng 3/2021. “Hy vọng cơ quan quản lý sẽ bình tĩnh phân tích tình hình hiện tại thay vì quay lại áp dụng các kịch bản cũ”, vị giáo sư bày tỏ.
Tác giả: Bùi Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy