Dòng sự kiện:
Ông Cao Sĩ Kiêm: Làm chính khách thì không nên lạm dụng, 'làm màu' hình ảnh
20/02/2016 09:02:43
Chính khách cần xây dựng hình ảnh, nhưng không nên lạm dụng, đánh bóng hình ảnh. Chính khách cũng khó lòng lấy được hết lòng công chúng. Trăm người mười ý, khó chiều lòng hết đám đông.

Tin liên quan

Từng giữ cương vị một chính khách, TS. Cao Sĩ Kiêm đã dành cho Infonet cuộc trò chuyện cởi mở xoay quanh chuyện xây dựng hình ảnh chính khách. Theo ông, chính khách xây dựng hình ảnh là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, "làm màu" hình ảnh... Dù cách nào thì chính khách cũng khó lấy lòng được hết công chúng.

TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đã từng giữ cương vị một chính khách, điều hành hệ thống tài chính tiền tệ của đất nước, ông nghĩ gì khi một loạt chính khách vừa nhận chức đã “gấp rút” xây dựng hình ảnh cho mình?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tất cả những người mới được phân công cương vị mới đều có ý tưởng xây dựng hình ảnh để thể hiện mình. Đó cũng là điều tốt đối với cán bộ được phân công nhiệm vụ mới để thể hiện năng lực bản thân, tạo hình ảnh, vị trí. Vừa qua một số cán bộ được luân chuyển đảm đương ở vị trí hoàn toàn mới. Việc luân chuyển cán bộ từ người làm chính sách sang điều hành thực tế địa phương như vừa rồi tôi cho là mới để rèn luyện, đào tạo cán bộ. Đây vừa là thách thức và thể hiện bản lĩnh của người làm chính khách.

Nếu trước đây anh giữ cương trị “thủ lĩnh” xây dựng chính sách vĩ mô, nay được điều chuyển về địa phương, điều hành chỉ đạo những đầu việc cụ thể… thì chắc chắn cần có thời gian để thích nghi khi đổi sang môi trường hoàn toàn mới, và ngược lại. Họ mới đảm đương công việc và cũng mới có một số hành động ban đầu, e rằng đánh giá hành động đó là đánh bóng, lấy lòng dân…. bây giờ là hơi sớm, chưa thoả đáng.

Trở lại thời kỳ ông giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc xây dựng hình ảnh một Thống đốc  - một chính khách có khác gì hiện tại?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Thời kỳ trước đây phân công cán bộ có khác bây giờ, lúc bấy giờ cũng chính khách cũng làm hình ảnh nhưng không giống hiện nay.

Nói thực là cán bộ trước đây đi từ cơ sở lên nên đã nắm rõ tình hình, hiểu công việc thực tế nên không chú trọng lắm tới việc hình ảnh khi làm lãnh đạo phải lung linh, phải đẹp… Còn hiện giờ việc xây dựng hình ảnh của chính khách đậm nét hơn xưa rất nhiều.

Với sự phân công loạt cán bộ mới vào những cương vị mới, có thể trùng hoặc là lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì họ đã đảm đương trước đây, nên cần thể hiện, khẳng định vị trí và hình ảnh của mình hơn trong mắt người dân… là đương nhiên. Anh muốn “trụ” được thì phải được lòng dân, lấy được niềm tin của dân vào những hành động, chỉ đạo điều hành của mình. Cái đó là thực tế rõ ràng rồi.

Nhưng làm thế nào để “đủ”, để không bị đánh giá là “làm màu”, giả tạo, phô trương… lại là điều không dễ.

Như ông nói thì ở giai đoạn nào, thời kỳ nào người làm chính sách cũng cần “lấy lòng” dân chúng. Nhưng dư luận đang có ý kiến cho rằng một số cách xây dựng hình ảnh gần đây như của tân Bí thư Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội khi xắn quần lội ruộng cùng dân khi tham dự Lễ xuống đồng đầu năm và Tết trồng cây 2016, là “làm màu”, thiếu thực chất…Ông nghĩ sao về dư luận này?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi luôn phản đối chuyện xây dựng hình ảnh mang tính hình thức, đánh bóng, giả tạo. Người làm chính sách phải ra quản lý, làm đốc công ra làm đốc công. Khi anh ở cương vị quản lý mà lại giữ vai đốc công thì rõ là đánh bóng.

Bí thư Hà Nội ông Hoàng Trung Hải đi cày cùng dân trong Lễ xuống đồng đầu năm

Ví như hành động lội ruộng xuống cày cùng bà con nông dân của tân Bí thư TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thể hiện sự quan tâm sát sao của các vị này đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Thủ đô.

Nếu chỉ vừa thấy hình ảnh đó là đã kết luận là “làm màu”, đánh bóng tôi e hơi vội vàng. Bất kỳ hành động nào của người lãnh đạo cũng thể hiện phong cách và sự quan tâm của họ đối với lĩnh vực, công việc được giao. Cái chính là sự quan tâm, hành động đó có được lâu dài hay chỉ mang tính nhất thời ở từng thời điểm cụ thể?

Còn hình ảnh tân Bí thư TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng với loạt chỉ đạo bớt chúc tụng đầu năm, dỡ biển báo giao thông vô lý, chính sách cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng... lại đang ghi điểm trong mắt công chúng. Ông có ấn tượng với những hành động như vậy?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Khó có thể so sánh, mỗi cách xây dựng hình ảnh khác nhau thể hiện phong cách, tính cách và bản lĩnh của từng chính khách khác nhau. Có thể cách làm người này được lòng số đông, có khen, có chê… chứ khó có thể “chiều lòng” được hết đám đông.

Trước đây ông đã từng phát biểu, rằng những chỉ đạo của ông Đinh La Thăng khi còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là nhỏ nhặt, ông Thăng nên ở nhà nghĩ ra những chính sách tốt hơn việc chạy ra đường… Hiện giờ với loạt chỉ đạo của ông Đinh La Thăng trên cương vị một tân Bí thư TP. Hồ Chí Minh liệu có khiến ông thay đổi nhận định của mình?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi vẫn giữ nhận xét này của mình đối với anh Thăng trước đây khi ở vị trí quản lý vĩ mô. Làm chính sách mà đi làm việc cụ thể là không nên. Đốc công ra đốc công, chính sách ra chính sách.

Tuy nhiên, quan sát một số chỉ đạo anh Thăng trên cương vị mới – Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh gần đây như buộc thay đổi biển báo giao thông, thay đổi chính sách cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng… có thể sẽ có những bình luận cho rằng tân Bí thư TP. Hồ Chí Minh đang cố tạo hình ảnh đẹp đối với người dân trên cương vị mới, ở mảnh đất mới… Song tôi cho rằng, trên cương vị mới anh Thăng đã bắt nhập được thực tế.

Giữa một chính khách xây dựng hình ảnh bằng những chỉ đạo từ thực tế cơ sở, sát dân và một chính khách chỉ chú trọng phải có những khuôn hình đẹp trên truyền thông thì rõ ràng người chính khách đầu tiên sẽ ghi điểm, được lòng dân và được dân tin.

Ngoài hình ảnh, để là một chính khách của dân, một chính khách hiện đại, theo ông người chính khách đó cần nhưng tố chất nào?

Tuỳ theo phân công của từng vị trí người chính khách mà cần tố chất khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ, thực tế công việc. Nhưng người chính khách dù ở cương vị nào cũng phải biết phân vai rõ ràng.

Nếu là người chính khách làm chính sách phải là người đưa ra được ý tưởng, đường lối chính sách lâu dài… Còn người chính sách điều hành lại phải giữ vai trò người đốc công, chỉ đạo và quyết những công việc cụ thể, thực tế… Hình ảnh rất cần, nhưng thực tế hành động còn cần hơn.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến