Dòng sự kiện:
'Ông lớn' đầu ngành, nơi lãi đậm, chỗ thua lỗ nặng năm 2022
27/01/2023 09:56:42
Một số 'ông lớn' trên sàn chứng khoán vừa công bố BCTC quý IV và cả năm 2022, với kết quả kinh doanh khả quan và lãi lớn như Hóa chất Đức Giang... Nhưng 'anh cả' ngành thép, hàng không lại thua lỗ trong quý cuối năm

Vietnam Airlines: Âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 và lũy kế cả năm 2022.

Theo đó, riêng quý IV/2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu 19.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong kỳ, chi phí tài chính của HVN tăng lên 1.000 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần con số cùng kỳ chủ yếu do chênh lệch tỷ giá hơn 540 tỷ đồng và lãi vay 370 tỷ đồng; cộng thêm chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Do đó, HVN chịu lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ lũy kế 12 quý lên đến 34.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Về hoạt động kinh doanh cả năm 2022, doanh thu thuần của HVN đạt 70.500 tỷ đồng, cao gấp 2,5 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí khiến HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.

Như vậy, bất chấp các ngành nghề tăng trưởng sau dịch Covid-19, HVN tiếp tục thua lỗ trong quý IV/2022. Đây là quý thứ 12 liên tiếp HVN đạt lợi nhuận âm; lỗ lũy kế 12 quý lên đến 34.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, số nợ của HVN trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng, lên mức hơn 70.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2022. Đáng chú ý, số nợ của HVN cao hơn tổng tài sản là hơn 60.000 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu của HVN âm hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo lý giải của HVN, kết quả thua lỗ quý IV/2022 là do chi phí nguyên liệu tăng (giá nhiên liệu bình quân tăng gần 40%) và chi phí bán hàng tăng tương ứng với doanh số bán hàng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN trong năm 2022 giảm từ 27.500 đồng/cp hồi tháng 2 xuống mức thấp nhất là hơn 9.000 đồng/cp hồi tháng 11, đang phục hồi quanh mức 15.000 đồng/cp.

Thép Hòa Phát: Lỗ 2.000 tỷ đồng quý IV/2022

Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) vừa công bố thông tin về tình hình kinh doanh quý IV/2022. Theo đó, doanh thu ba tháng cuối năm 2022 đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 42% và lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp tục lỗ sâu hơn so với quý III/2022.

Về kết quả kinh doanh cả năm 2022, doanh thu HPG đạt 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 8.400 tỷ đồng, bằng 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Thép Hòa Phát lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế cả năm ở mức 8.400 tỷ đồng. Ảnh: HPG

Sau khi lợi nhuận đạt đỉnh vào quý III/2021, kết quả kinh doanh HPG liên tục tụt giảm do phần lớn nhu cầu thép trên thị trường lao dốc. Trong năm 2022, HPG đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sắt, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng.

Tuy nhiên, HPG nhận thấy, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi. Doanh nghiệp đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Song song đó, HPG tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy giá dụng; đồng thời, đầu tư hạ tầng số hóa, áp dụng giải pháp mới vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Năm 2022, giá cổ phiếu HPG đạt mức cao nhất là 32.000 đồng/cp hồi tháng 3, sau đó giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 11 còn 15.000 đồng/cp, sau đó phục hồi lên mức 21.000 đồng/cp như hiện tại.

Hóa chất Đức Giang: Lợi nhuận quý IV/2022 giảm, cả năm vẫn lãi đậm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) với doanh thu thuần đạt hơn 3.111 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.234 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhưng nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng, doanh thu lũy kế cả năm của DGC đạt 14.444 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 20,52% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 113%. Sau khi khấu trừ, lợi nhuận sau thuế của DGC lãi kỷ lục hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.

Tuy vậy, quý IV/2022 là quý thứ ba liên tiếp DGC có lợi nhuận giảm sau khi đạt mức đỉnh vào hồi quý II/2022.

DGC được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn.

Năm 2022, giá cổ phiếu DGC đạt mức đỉnh là 132.000 đồng/cp hồi tháng 6, sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 52.000 đồng/cp hồi tháng 11. Hiện thị giá cổ phiếu DGC quanh mức 60.000 đồng/cp.

Lọc hóa dầu Bình Sơn: Bất ngờ lãi quý IV/2022

CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận đạt gần 1.500 tỷ đồng, thay vì dự báo lỗ trước đó. Theo đó, doanh thu thuần của BSR đạt 40.430 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh tài chính tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, đem về cho BSR doanh thu 648 tỷ đồng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn bất ngờ lãi trong quý IV/2022. (Ảnh: BSR)

Theo giải trình của BSR, trong tháng 12/2022 giá dầu thô giảm dần dẫn đến kết quả kinh doanh quý IV/2022 không được thuận lợi như cùng kỳ. Khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm dầu quý này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó khoảng cách giá dầu thô và sản phẩm xăng, polypropylene lại thấp hơn nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của BSR.

Về kết quả kinh doanh cả năm 2022, doanh thu thuần của BSR đạt 167.123 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 14.450 tỷ đồng, tăng 115% so với năm ngoái.

Giá cổ phiếu BSR trong năm 2022 có thời điểm đạt mức cao nhất 33.000 đồng/cp hồi tháng 6. Do thị trường chung giảm mạnh, BSR giảm xuống quanh mức 16.000 đồng/cp như hiện tại.

Tác giả: Ngọc Cương

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến