Dòng sự kiện:
Ông lớn 'lướt lát' đẩy mạnh đầu tư chứng khoán phái sinh
02/11/2018 07:00:02
Với việc các chỉ số chứng khoán trên thị trường cơ sở giảm mạnh, VN-Index mất mốc 900 điểm, nhiều “ông lớn” trên thị trường chứng khoán đã bắt đầu dành sự quan tâm và đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Từ ý nghĩa ban đầu của sản phẩm là công cụ để phòng ngừa rủi ro, chứng khoán phái sinh đã trở thành kênh sinh lời đúng nghĩa của một số nhà đầu tư nhanh nhạy với thị trường.

Những báo cáo NAV bất ngờ

Từ chỗ chịu áp lực nặng nề về kết quả kinh doanh trong giai đoạn giữa năm 2018 khi tập trung quá nhiều cho một loại cổ phiếu, P – một công ty có tiếng trên thị trường chứng khoán với hoạt động ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư trên thị trường đã tạo ra bất ngờ khi liên tục tăng giá trị tài sản ròng (NAV) các chứng chỉ đầu tư của mình trong suốt mấy tuần gần đây, bất kể việc thị trường đang “rực lửa” với gần như toàn bộ các mã chứng khoán đã quay đầu giảm sốc.

Trên các kênh thông tin của mình, P không nói về việc Công ty có đầu tư chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư hay không, nhưng việc một số thành viên chủ chốt của Công ty đưa ra các nhận định tiêu cực về thị trường, cũng như việc giá trị tài sản ròng của quỹ liên tục tăng, bất chấp thị trường giảm điểm là điều khiến những người theo sát hoạt động của P tin rằng, Công ty đang thực hiện bán khống trạng thái (short).

Tại một công ty quản lý quỹ khác, câu chuyện cũng diễn ra tương tự P, với danh mục ủy thác của khách hàng.

Theo đó, báo cáo giá trị tài sản ròng theo tuần gửi các nhà đầu tư ủy thác tại công ty quản lý quỹ này cho thấy bức tranh hiệu quả kinh doanh khác biệt xa so với chỉ số VN-Index, khi giá trị khoản đầu tư của khách hàng hầu như không thay đổi trong suốt hơn 1 tháng qua.

Thậm chí, có một vài thời điểm, thị trường giảm mạnh nhưng NAV của nhà đầu tư vẫn tăng nhẹ.

Không còn những buổi café lúc 8h sáng, không còn thời gian để hẹn ăn trưa, đặc biệt trong những phiên thị trường biến động mạnh (lên mạnh hoặc xuống mạnh), một thế hệ những nhà giao dịch (trader) thực thụ đang dần hình thành từ các nhà đầu tư vốn dĩ theo trường phái cơ bản, khi thị trường đi xuống. 

Giao dịch phái sinh có thể phá kỷ lục tháng 7/2018

So với mức đỉnh giao dịch về khối lượng và giá trị đã đạt được vào tháng 7/2018, tháng 10/2018 vẫn chưa phải thời điểm đỉnh cao về giao dịch chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, nếu đà giao dịch các phiên gần đây được duy trì, tháng 10 hoàn toàn có thể vượt được tháng 7 về giá trị giao dịch.

 thống kê giao dịch phái sinh từ tháng 1//2017 đến nay.

Thống kê cho thấy, đến hết ngày 29/10/2018, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh là 2.272.546 hợp đồng, với tổng giá trị khớp lệnh lên tới 209.885,339 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2018, thị trường phái sinh đã đạt được kết quả giao dịch rất ấn tượng, với 2.843.872 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị đạt 257.869,726 tỷ đồng.

Nếu nhìn con số này, tháng 10 đang có quy mô giao dịch thấp hơn khá nhiều so với 3 tháng trước đó, nhưng nếu nhìn vào con số trên 190.000 hợp đồng được giao dịch mỗi phiên, giá trị gần 17.000 tỷ đồng/phiên đạt được trong 2 phiên giao dịch 26, 29/10, thì việc tháng 10 tiếp tục lập kỷ lục mới về quy mô giao dịch phái sinh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Như vậy, sau 2 tháng quy mô giao dịch phái sinh bị sụt giảm (trùng với thời điểm tỷ lệ ký quỹ tối thiểu trên thị trường phái sinh tăng lên mức 13% thay vì mức 10% ban đầu), thị trường phái sinh đã bùng nổ trở lại. Động lực cho sự tăng trưởng đột biến này có lẽ đến từ việc thị trường chứng khoán cơ sở trở nên khó khăn hơn, khi liên tục giảm sốc.

Với quy mô giao dịch lên tới gần 17.000 tỷ đồng/phiên, số tiền ký quỹ tối thiểu phục vụ giao dịch (tính theo mức 13%) là hơn 4.400 tỷ đồng. Trên thực tế, tỷ lệ ký quỹ tại các công ty chứng khoán (hoặc với các nhà đầu tư) có thể lên mức 15% - 18%, đưa số tiền thực nhà đầu tư bỏ ra để giao dịch trên thị trường phái sinh trong một phiên (tính gần nhất) có thể lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.

Con số này lớn hơn nhiều so với giao dịch hiện tại trên thị trường chứng khoán cơ sở, khi tổng giá trị giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hiện ở quanh mức 4.000 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư cá nhân áp đảo, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh giao dịch

Dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tháng 9/2018, giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 99% tổng khối lượng giao dịch của thị trường phái sinh. Giao dịch của tự doanh các công ty chứng khoán và của nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức rất thấp.

 giao dịch chứng khoán phái sinh nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa tích cực tham gia thị trường này. Trong tháng 10, tỷ lệ giao dịch nhà đầu tư ngoại trên thị trường phái sinh vẫn nhỏ, thế nhưng, đó là nhìn vào con số tương đối.

Nếu nhìn vào dữ liệu tuyệt đối của thị trường, bức tranh giao dịch phái sinh có thêm 1 gam màu khác.

Dữ liệu thống kê tháng 10/2018 (kể từ ngày 1 - 29/10/2018) cho thấy, giao dịch khối ngoại đang tăng mạnh trở lại cả về khối lượng hợp đồng lẫn giá trị.

Theo đó, trong tháng 10, khối này đã mua 3.965 hợp đồng, bán ra 4.072 hợp đồng, tăng gần gấp đôi cả về giá trị và khối lượng giao dịch so với tháng 9/2018.

Trong đó, ấn tượng nhất là phiên giao dịch ngày 26/10/2018 (phiên ngay sau ngày giao dịch giảm sốc của thị trường, buổi sáng VN-Index tăng, sau đó giảm trở lại), nhà đầu tư ngoại đã mua vào tới 746 hợp đồng (trị giá gần 66 tỷ đồng) và bán ra 221 hợp đồng (trị giá 19,5 tỷ đồng). Đây là phiên nhà đầu tư ngoại đã hoạt động rất tích cực trên thị trường phái sinh, song song với diễn biến giật cục của VN-Index. 

Phái sinh đang “lấn át” vai trò thị trường cơ sở?

Nếu nhìn vào dòng tiền và mức độ sôi động của thị trường phái sinh, cùng lợi thế T+0 của thị trường, và cả diễn biến đầu tư của các công ty ủy thác đầu tư hiện nay, thì rõ ràng, vị thế của chứng khoán phái sinh đang gia tăng mạnh mẽ.

Quan trọng hơn nữa, thị trường phái sinh hiện nay đang trở thành kênh kiếm tiền chính của nhiều nhà đầu tư, khi thị trường chứng khoán gặp khó.

Với quy mô giao dịch tăng mạnh, dòng tiền quanh quẩn trong thị trường chứng khoán phái sinh đang lớn hơn nhiều so với quy mô dòng tiền hoạt động tích cực (các nhà đầu tư ưa lướt sóng) trên thị trường chứng khoán cơ cở.

Đã nhiều lần, nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu sự bùng nổ của chứng khoán phái sinh có tác động xấu đến thị trường chứng khoán cơ sở? Điều này chưa hẳn đúng, bởi VN-Index đã từng tạo đỉnh mới, dù phái sinh đi vào hoạt động.

Nhưng nhiều khả năng với việc thị trường chứng khoán cơ sở đi xuống, phái sinh sẽ ngày một hút dòng tiền hơn, thậm chí gấp nhiều lần giai đoạn trước đó. Và nếu vậy, thị trường chứng khoán cơ sở vốn đang gặp khó khăn lại càng thoi thóp. Theo đó, lớp nhà đầu tư mang phong cách “lướt lát” đang tạm thời chiếm ưu thế về hiệu quả, dù đầu tư cơ bản thường được đề cao.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến