“Ông lớn” ngành thép nhìn lại 2016
12/12/2016 13:01:49
ANTT.VN – Thị trường BĐS khởi sắc trong 3 quý đầu năm khiến một loạt các công ty sản xuất – kinh doanh thép sớm hoàn thành, thậm chí vượt xa kế hoạch năm.

Tin liên quan

Doanh nghiệp thép thắng lớn

9 tháng đầu năm, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HSX:HPG) báo lãi sau thuế 4.656 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 146% kế hoạch năm. Đối thủ lớn nhất của Hòa Phát là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSX: HSG) không hề kém cạnh khi kết thúc năm tài chính 2016 (niên độ của HSG bắt đầu vào 1/10 hàng năm) với khoản LNST đầy ấn tượng 1.501 tỷ đồng, tăng 130% so với năm ngoái và bằng 2,3 lần mục tiêu cả năm. Hai công ty quốc doanh là Tổng công ty thép Việt Nam (UPCoM: TVN) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) cũng đều ghi nhận những kết quả đầy tích cực, với LNST lần lượt đạt 663 tỷ đồng và 209 tỷ đồng, tăng 166% và 190% so với 9 tháng đầu năm 2015.

Tuy vậy, nếu xét về giá trị tương đối thì những con số trên vẫn chưa phải ấn tượng nhất. khi mà Thép Nam Kim (HSX: NKG); Thép Pomina (HSX: POM) hay Thép Tiến Lên (HSX:TLH) đều báo lãi “khủng” với mức tăng trưởng lần lượt 341%, 547% và 2321% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép Việt Ý (HSX: VIS) cũng không phải ngoại lệ khi lãi sau thuế 34 tỷ đồng trong ba quý đầu năm; mặc dù kém xa các đơn vị khác về số tuyệt đối, tuy nhiên vẫn rất ý nghĩa khi biết cùng kỳ 2015 VIS lỗ 26 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2015 là -71 tỷ đồng.

So sánh một số chỉ tiêu của các công ty thép trong 9 tháng đầu năm 2016. (*): Bảng trên ghi nhận LNST cả năm tài chính của HSG (1/10/2015-30/9/2016)

Kết quả kinh doanh tích cựckhiến cổ phiếu của các doanh nghiệp thép tăng mạnh kể từ đầu năm; như các mã NKG và TLH tăng hơn ba lần lên 35.250 đồng và 12.700 đồng/ CP; mã VIS cũng tăng hơn gấp 2 lần từ mức 7.200 đồng đầu năm lên 18.750 chốt phiên 11/10, mặc dù cổ phiếu này vẫn đang nằm trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (do lợi nhuận lũy kế ở mức âm). Trong khi đó HPG cũng tăng 42% lên 40.900 đồng, dù có phần lép vế so với đối thủ lớn nhất của mình – HSG, khi mã chứng khoán này đã tăng tới 131% từ đầu năm, vượt qua thị giá của HPG, chốt phiên 11/10 ở mức 46.500 đồng/ cổ phiếu.

“Quán quân” thép Hòa Phát

Con số LNST 4.656 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm của Hòa Phát bằng tổng tài sản của Thép Tiến Lên và Thép Việt Ý cộng lại và gấp 3 lần LNST của Hoa Sen phần nào cho thấy vị thế độc tôn của Hòa Phát trong “làng” thép Việt. Tổng tài sản của Hòa Phát tính tới cuối quý III là 28.469 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm, lớn hơn tổng tài sản của 2 đối thủ lớn nhất là Hoa Sen và Tổng công ty Thép Việt Nam cộng lại (26.590 tỷ đồng). Xét về quy mô vốn, Hòa Phát cũng không có đối thủ khi mà vốn điều lệ của tập đoàn này tăng 15% trong năm lên 8.429 tỷ đồng; xếp phía sau là Tổng công ty Thép (6.780 tỷ đồng), Thép TISCO (2.840 tỷ đồng); Hoa Sen và Thép Pomina lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với vốn điều lệ 1.965 tỷ đồng và 1.874 tỷ đồng.

Lĩnh vực mang lại danh tiếng và thành công cho Hòa Phát là thép xây dựng. Tuy nhiên khi mà thị trường bất động sản có dấu hiệu bão hòa, ban lãnh đạo Hòa Phát đang tìm ra những hướng đi mới, trong đó không giấu diếm toan tính “đặt chân” vào thị trường tôn mạ. Hòa Phát hồi đầu tháng 5 cho biết đã khởi công xây dựng nhà máy tôn mạ màu với công suất dự kiến 400.000 tấn/ năm với tổng chi phí đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng, như một lời tuyên chiến thực sự đi kèm tuyên bố của Phó Chủ tịch HĐQT HPG Nguyễn Mạnh Tuấn rằng Hòa Phát luôn sẵn sàng đối đầu với những đối thủ mạnh nhất trên thị trường tôn mạ như Hoa Sen, Tôn Đông Á hay Nam Kim.

Song chắc chắn là tham vọng của những người đứng đầu Hòa Phát sẽ không dễ dàng để thực hiện. Khi mà thế lực số 1 ngành tôn mạ hiện nay không ai khác chính là Tập đoàn Hoa Sen (chiếm gần 40% thị phần) của Chủ tịch Lê Phước Vũ, vốn chứng kiến tốc độ mở rộng đáng nể trong vài năm trở lại đây. Tập đoàn Hoa Sen tháng 6 vừa qua đã tăng vốn gấp đôi lên gần 2.000 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản tính tới cuối tháng 9/2016 là 12.207 tỷ đồng, tăng 29% kể từ đầu năm và gấp 2,3 lần thời điểm 4 năm trước. Ngay sau khi Hòa Phát “chen chân” vào thị trường tôn mạ với nhà máy 400.000 tấn/ năm, Hoa Sen không lâu sau đó có động thái đáp trả đầy mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng một trong những dự án thép có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay: Dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận với công suất tối đa lên tới 6 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là thép xây dựng – sản phẩm chủ lực của Hòa Phát.Nếu HSG có thể hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà máy này, thì đây chắc chắn sẽ là thử thách không hề nhỏ đối với Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cùng các cộng sự. Cả năm ngoái, Hòa Phát sản xuất ra 1,4 triệu tấn thép xây dựng, chỉ bằng khoảng 25% năng suất năm của dự án thép Cà Ná.

Đi tìm “chúa chổm”

Sản xuất công nghiệp nặng khó tránh khỏi việc phải sử dụng đòn bẩy tài chính, song một số doanh nghiệp ngành thép dường như đang lệ thuộc vào công cụ vốn được mệnh danh là “con dao hai lưỡi” này. Tính đến cuối quý III/2016, vay nợ tài chính của Thép Nam Kim là 3.497 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn điều lệ; tỉ lệ này đối với Hoa Sen, TISCO, VIS, POM lần lượt là 2,9; 2,1; 2,1; 1,9. Chỉ có 2 doanh nghiệp có tỉ lệ vay nợ tài chính trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 1 là Hòa Phát (0,66) và Tổng công ty Thép (0,70).

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến