Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Theo đó, năm 2017, Đại hội đồng cổ đông tập đoàn đã họp thường niên vào ngày 26/4/2017. Bên cạnh Nghị quyết của đại hội, cơ cấu quyền lực cao nhất của Vingroup còn ban hành hai nghị quyết khác thông qua hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản – liên quan đến việc nhận sáp nhập Công ty năng lượng Hải Linh (ngày 24/1) và phê duyệt hủy bỏ mức phong tỏa tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (ngày 22/12).
Với vai trò chính yếu và chuyên trách trong hoạt động quản trị tập đoàn, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup đã tổ chức 06 phiên họp và ban hành 23 Nghị quyết thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng và 04 Phó Chủ tịch (Phạm Thúy Hằng, Phạm Thu Hương, Nguyễn Diệu Linh, Lê Khắc Hiệp), cùng 3 thành viên (Ling Chung Yee Roy, Marc Villiers Townsend, Joseph Raymond Gagnon) tham dự đầy đủ cả 6/6 phiên họp HĐQT. Trong khi bà Mai Hương Nội chỉ tham dự 4/6 phiên, lý do là bà Nội đã được miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT VIC từ ngày 20/4. Người thay thế bà Nội, ông Nguyễn Việt Quang, đã tham dự đầy đủ 2 phiên họp HĐQT còn lại.
Như vậy, cơ cấu HĐQT Vingroup vẫn duy trì ở con số 9 thành viên. HĐQT này đã tổ chức 6 phiên họp toàn thể trong năm 2017, trong đó có 4 phiên được tổ chức trong 4 tháng đầu năm, và 8 tháng còn lại chỉ tổ chức 2 phiên.
Trong 23 Nghị quyết mà HĐQT VIC đã ban hành trong 2017 thì Nghị quyết đầu tiên được ban hành vào ngày 19/1 về việc nhận chuyển nhượng cổ phần và cử đại diện quản lý phần vốn góp trong Công ty CP Năng lượng Hải Linh; Nghị quyết cuối cùng được ban hành vào ngày 27/11 về việc sáp nhập công ty con (Công ty TNHH Logistics Vincom sáp nhập vào Công ty Vincommerce). Hai tháng mà HĐQT Vingroup ban hành nhiều Nghị quyết nhất là tháng 2 và tháng 11 – mỗi tháng 4 Nghị quyết. Nội dung các nghị quyết liên quan nhiều nhất đến việc thành lập, sáp nhập và cử người đại diện vốn tại các công ty con. Ngoài ra cũng có không ít nghị quyết về công nợ, như Nghị quyết số 15 và 20 phê duyệt các công việc liên quan đến phát hành Trái phiếu doanh nghiệp năm 2017, Nghị quyết số 16 phê duyệt bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu của CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội, Nghị quyết số 17 phê duyệt bảo lãnh cho trái phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng.
Trong khi đó, Ban Kiểm soát, đơn vị phu trách việc giám sát đối với HĐQT, Ban Giám đốc điều hành và cổ đông Vingroup cũng đã thực hiện 2 phiên họp trong năm 2017. Ban Kiểm soát hiện thời của Vingroup được kiện toàn từ ngày 26/4/2017, gồm 3 thành viên: Nguyễn Thế Anh (Trưởng Ban), Đinh Ngọc Lân và Đỗ Thị Hồng Vân.
Báo cáo của Vingroup cũng dành nguyên một mục để thông tin về hoạt động “đào tạo về quản trị công ty”. Theo đó, các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Ban Giám đốc và Thư ký Vingroup chưa tham gia khóa đào tạo về quản trị công ty. “Hiện Tập đoàn đang xúc tiến các thủ tục để triển khai thực hiện việc này trong thời gian tới”, báo cáo cho hay.
Phụ lục 1, đính kèm báo cáo quản trị năm 2017 của Vingroup, cho thấy tính đến cuối năm 2017, tập đoàn này có tổng cộng 64 cá nhân và tổ chức thuộc diện người có liên quan của công ty, bao gồm 19 lãnh đạo trong HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và 45 công ty con. Công ty con nhận được nhiều sự chú ý nhất của Vingroup trong năm 2017 vừa qua có thể nói là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tên cũ: Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinPatt). Rất nhiều người Việt đang kỳ vọng và chờ đợi thương hiệu xe hơi VinFast, với mẫu xe đầu tiên được dự kiến sẽ lăn bánh từ cuối năm 2018 này.
Sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng ở Vingroup
Theo Báo cáo tình hình quản trị, tính đến cuối năm 2017, cá nhân ông Vượng đang sở hữu 27,45% cổ phần Vingroup, tương ứng với quy mô 724 triệu cổ phiếu VIC. Phu nhân của ông Vượng, bà Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch Vingroup, cũng sở hữu 124,8 triệu cổ phiếu VIC khác, với tỷ lệ sở hữu 4,73%.
Trong khi đó, ba người con của ông Vượng, là Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng, Phạm Nhật Minh Anh, tuyệt nhiên không sở hữu cổ phần nào tại tập đoàn của cha mẹ. Tương tự, hai người anh em của ông Vượng, là bà Phạm Lan Anh (em gái), ông Phạm Nhật Vũ (anh trai) cũng không có quan hệ sở hữu đối với Vingroup.
Ngoài những cá nhân trên, báo cáo quản trị còn ghi nhận một cái tên khác thuộc diện người có liên quan của ông Vượng, là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – nơi ông Vượng là cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ. Pháp nhân này thậm chí còn sở hữu nhiều cổ phần VIC hơn hẳn ông Vượng - với quy mô 880,2 triệu cổ phần (tỷ lệ sở hữu 33,37%) – và hiện là cổ đông lớn nhất của Vingroup. Được biết, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam bắt dầu trở thành cổ đông lớn nhất của Vingroup sau khi nhận thêm 572 triệu cổ phiếu VIC vào cuối năm 2016, thông qua việc nhận quyền sở hữu do nhận sáp nhập doanh nghiệp (348 triệu cổ phiếu) và nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu do nhận góp vốn bằng cổ phiếu vào VIC (gần 224 triệu cổ phiếu).
Cũng theo công bố tại báo cáo, gia đình bên vợ của tỷ phú Vượng cũng có mức độ sở hữu đáng kể với Vingroup. Ngoài 124,8 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của bà Phạm Thu Hương, thì các chị em của bà Hương cũng nắm giữ tới cả trăm triệu cổ phiếu VIC khác. Có thể kể đến như bà Phạm Thúy Hằng – em vợ ông Vượng (83,4 triệu cổ phiếu), bà Phạm Hồng Linh – chị vợ ông Vượng (10 triệu cổ phiếu). Người anh em đồng hao với ông Vượng, là ông Nguyễn Quốc Thành (chồng bà Phạm Thúy Hằng), cũng đang nắm giữ gần 9 triệu cổ phiếu VIC. Tại Vingorup, bên cạnh chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Nhật Vượng thì hai chị em bà Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng chính là hai Phó Chủ tịch HĐQT.
Ngoài gia đình ông Vượng thì các lãnh đạo khác trong ban quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành Vingroup và gia đình họ đều không có sở hữu hoặc sở hữu không đáng kể với VIC. Kể cả Phó Chủ tịch HĐQT thứ ba và thứ tư của Vingroup, là bà Nguyễn Diệu Linh và ông Lê Khắc Hiệp.
Trong các đơn vị được liệt kê trong báo cáo tình hình quản trị năm 2017 của Vingroup, CTCP Vinpearl – nơi P.TGĐ Vingroup Mai Dương Nội là Chủ tịch HĐQT – là một pháp nhân đáng đề cập. Tính đến cuối năm 2017, Vinpearl nắm giữ hơn 90 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,41%.
Trở lại với ông Phạm Nhật Vượng, tất nhiên, hàng trăm triệu cổ phiếu VIC vừa nêu và phần tài sản tại Vingroup mới chỉ là một phần trong khối tài sản khổng lồ của vị tỷ phú này. Cập nhật mới nhất của Forbes cho thấy, ông Vượng đang sở hữu lượng tài sản ròng lên tới 4,1 tỷ USD và là người giàu thứ 563 trong bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chí này.
Thực tế là ông Vượng đã gia tăng giá trị tài sản của mình một cách chóng mặt trong năm qua, bởi theo bảng xếp hạng năm 2017 (chốt tại 20/3/2017), ông Vượng chỉ xếp hạng 867, với tài sản ròng 2,4 tỷ USD.
Theo Viettimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy