Dòng sự kiện:
Ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam
01/01/2024 14:02:23
Khép lại năm 2023, tổng tài sản của 6 tỷ phú Việt được Forbes ước tính vào khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD trong năm qua. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam.

Theo danh sách tỷ phú Forbes, đến ngày 31/12 Việt Nam có 6 tỷ phú USD, gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cùng gia đình, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Khép lại năm 2023, tổng tài sản của 6 tỷ phú Việt được Forbes ước tính vào khoảng 13,3 tỷ USD

Năm qua, VN-Index tăng 12,2%, tài sản của tỷ phú Việt cũng ghi nhận biến động tích cực. Người có khối tài sản gia tăng mạnh nhất là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ông tiếp tục dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 4,7 tỷ USD, tăng 600 triệu USD so với năm ngoái.

Sự kiện Vinfast chào sàn Nasdaq, vốn hoá hiện đạt 19,5 tỷ USD tác động lớn đến tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Hiện VinFast có lượng cổ phiếu lưu hành tự do là 4,5 triệu đơn vị, so với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được niêm yết. Ông Phạm Nhật Vượng sở hữu VinFast thông qua 3 công ty dưới quyền. Trong khi đó, cả 3 cổ phiếu "họ" Vingroup là VIC, VHM, VRE lại giảm giá.

Đứng thứ hai trong xếp hạng tỷ phú Việt Nam của Forbes là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air. Tính hết năm 2023, bà Thảo sở hữu khối tài sản 2,4 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với đầu năm. Năm qua, cổ phiếu VJC giảm nhẹ 1,37%, xuống 108.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, HDB tăng tới 54%, lên 20.300 đồng/cổ phiếu.

Người tiếp theo trong xếp hạng Forbes là ông Trần Đình Long. Tài sản của chủ tịch Hòa Phát tăng ước đạt 2,3 tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng tới 800 triệu USD so với năm ngoái. Năm qua, cổ phiếu lớn ngành thép HPG hồi phục tới 55% thị giá, hiện ở mức 27.950 đồng/cổ phiếu. Kết quả này góp phần gia tăng khối tài sản của ông Long, thăng hạng, lọt top 3 tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

Vị trí thứ 4 và 5 lúc này cũng ghi nhận xáo trộn, đổi ngôi giữa Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cùng gia đình, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Tỷ phú Trần Bá Dương cùng gia đình có khối tài sản lớn 4, đạt 1,5 tỷ USD, tăng 1 bậc, vượt tỷ phú Hồ Hùng Anh. Tài sản của chủ tịch Thaco không biến động so với trước đây. Trong khi đó, HNG tăng gần 13% qua 1 năm. Dù vậy, HNG chưa thoát khỏi vùng giá “trà đá”, giá giao dịch 4.700 đồng/cổ phiếu.

 

Như vậy, đứng thứ 5 trong danh sách của Forbes hiện tại là là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - sở hữu 1,4 tỷ USD, giảm 200 triệu USD. Trong 1 năm, cổ phiếu TCB tăng 23%, lên mức 31.800 đồng/cổ phiếu.

Người cuối cùng trong danh sách tỷ phú Việt của Forbes là Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Tài sản của ông Quang giảm 400 triệu USD so với năm ngoái. Hết năm 2023, Forbes ước tính, khối tài sản của ông Quang khoảng 1 tỷ USD. Năm qua, MSN giảm giá 28%, xuống còn 67.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng như danh sách tỷ phú USD năm 2023 Forbes công bố hồi đầu năm, đến nay, 6 đại diện của Việt Nam vẫn được giữ nguyên. Xáo trộn chỉ xảy ra ở thứ hạng, biến động giá trị tài sản. Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland - chưa thể quay lại danh sách này, sau khi bị loại trong đợt công bố tháng 4 của Forbes.

Phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại thời điểm tương ứng. Giá trị cổ phần đại chúng của các cá nhân được cập nhật 5 phút một lần khi thị trường chứng khoán tương ứng mở cửa (sẽ có độ trễ 15 phút đối với giá cổ phiếu).

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến