Dòng sự kiện:
Ông Trump ‘chối bỏ’ giải pháp hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên
18/01/2018 19:37:18
Trong bài phỏng vấn độc quyền với Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự không tin tưởng vào giải pháp hoà bình để giải quyết khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.

“Khủng hoảng Triều Tiên có thể sẽ không được giải quyết một cách hoà bình. Tôi muốn ngồi xuống, nhưng tôi không chắc việc đó sẽ giải quyết vấn đề. Tôi không chắc rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến bất cứ điều gì có ý nghĩa”, Tổng thống Trump cho biết trong buổi phỏng vấn với Reuters hôm thứ Tư (17/1).

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời các câu hỏi về Triều Tiên trong buổi phỏng vấn với Reuters. Ảnh: Reuters.

Nhận xét trên được theo sau tuyên bố trước đó hồi đầu tháng của ông Trump rằng, ông “hoàn toàn” sẵn sàng điện đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nếu đạt được các điều kiện nhất định.

Tuy chối bỏ tính hiệu quả của giải pháp hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng lại hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng, liên quan đến Thế vận hội mùa Đông sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng tới. Ông nhận định, đây có thể là giai đoạn đầu tiên giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra hành động quân sự trong khu vực, ông Trump không xác nhận cụ thể mà chỉ úp mở: “Chúng tôi đang chơi một ván bài poke rất khó và bạn không muốn để lộ các quân bài của mình”.

Trong buổi phỏng vấn, ông Trump còn tỏ ra thất vọng về Nga, quốc gia mà ông mong muốn sẽ tạo ra mối quan hệ thân thiện hơn. Ông cáo buộc, Nga đang giúp đỡ Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, trong khi Trung Quốc đang cố gắng làm điều ngược lại.

Không chỉ Nga, vị tổng thống người New York cũng đổ lỗi cho ba người tiền nhiệm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, vì không thể giải quyết cuộc khủng hoảng.

Một ngày trước cuộc phỏng vấn của ông Trump, Mỹ và Canada đã chủ trì một hội nghị quốc tế về vấn đề Triều Tiên tại thành phố Vancouver (Canada), với sự tham gia của 20 quốc gia.

Hội nghị trên bị Bộ Ngoại giao Nga lên án là một nỗ lực “gượng ép” nhằm làm suy yếu các nghị quyết của UNSC, trong khi không đưa ra được giải pháp thay thế cho sáng kiến “đóng băng kép” mà Nga-Trung đề xuất, theo RT.

Theo Báo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến