Dòng sự kiện:
'Ông vua” vàng miếng SJC: Còn đâu thời hoàng kim
13/04/2017 17:44:04
ANTT.VN – SJC đi xuống liên tục kể từ thời điểm Nghị định 24/2012 có hiệu lực. Để cải thiện tình hình, lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ một lớn nguồn lực đầu tư, góp vốn và các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản, song kết quả thu về không được như mong muốn.

Tin liên quan

Là một doanh nghiệp đặc thù, Công Ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) chịu ảnh hưởng lớn từ các quy định của cơ quan quản lý.

Trước khi Nghị định 24/2012 Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, đơn vị trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh gần như độc quyền trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, với thị phần lên tới 90%. Doanh thu năm 2011 đạt đỉnh 111.000 tỷ đồng (năm 2015 còn 18.000 tỷ đồng)

Tuy nhiên Nghị định 24 yêu cầu khắt khe điều kiện về kinh doanh vàng miếng đã khiến phần lớn cửa hàng tư nhân trên cả nước không còn được phép kinh doanh mặt hàng này, qua đó thu hẹp đáng kể hệ thống phân phối của SJC. Ngoài ra, Nghị định 24 cũng quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. SJC theo đó phải phụ thuộc nguồn cung vàng miếng trong các đợt đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước.

SJC cho hay trong các năm 2014-2015, NHNN không tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, nên Công ty phải mua nguồn hàng trôi nổi từ khách vãng lai, với chênh lệch mua/ bán thấp (chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng/ lượng). Trong năm 2015, lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng SJC chỉ chiếm 7% lợi nhuận, và rất khó đạt mức tăng trưởng hơn nữa trong năm 2016. Ngoài ra, nguồn thu nhập từ gia công vàng miếng SJC trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ không còn do NHNN chủ trương hạn chế lưu thông và tiêu dùng vàng miếng.

Thế mạnh vàng miếng sụt giảm khiến SJC phải tìm nhiều cách để cải thiện hoạt động kinh doanh. Trong một báo cáo mới đây, Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Đỗ Công Chính cho hay SJC đang chuyển hướng tập trung chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng nữ trang; tuy nhiên vẫn không thể thay thế ngay được vai trò chủ lực của vàng miếng. Theo số liệu công bố, doanh thu từ nữ trang và trang sức khác của SJC đã tăng mạnh lên 3.340 tỷ đồng trong năm 2015, cao hơn 56% so với năm 2014, tuy nhiên vẫn chỉ bằng khoảng 1/5 doanh thu tới từ vàng miếng.

Kết quả kinh doanh của SJC lao dốc kể từ thời điểm Nghị định 24/2012 có hiệu lực ngày 25/5/2012. Đồ họa: Hoa Liên (Số liệu năm 2016 được thống kê trong 6 tháng đầu năm theo BCTC)

Bên cạnh đó, SJC những năm trước đây đầu tư mạnh trong lĩnh vực tài chính. SJC đầu tư khá lớn vào Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – 123 tỷ đồng), từng đầu tư 256 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – 9,5 tỷ đồng).

Bất động sản cũng là mảng ưa thích của doanh nghiệp này khi SJC đầu tư vào một doanh công ty BĐS như CTCP Đầu tư và BĐS Sài Gòn Châu Á, CTCP Thương mại Địa ốc Việt, Công ty du lịch thương mại Đại Cát Hoàng Long hay phải kể tới CTCP Sài Gòn Kim Cương – Chủ đầu tư dự án SJC Tower đình đám (Sẽ được ANTT.VN phân tích trong kỳ tới).

Tuy nhiên hiệu quả từ mảng đầu tư tài chính lại là một dấu hỏi lớn với ban lãnh đạo SJC. Tính tới cuối tháng 6/2016, SJC đã phải trích lập tới 74 tỷ đồng, tương đương 60% khoản đầu tư vào VietABank.

Ngoài ra, SJC cũng đã phải trích lập 100% các khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc đá quý SJC Chợ Lớn, CTCP vàng bạc đá quý SJC Bàn Cờ hay CTCP liên doanh băng từ Sài Gòn Saindes với tổng số tiền lên tới 30 tỷ đồng.

Việc thua lỗ trong nhiều thương vụ đầu tư tài chính góp phần vào kết quả kinh doanh ảm đạm của SJC.

Quý II/2016, SJC báo lãi sau thuế 2,5 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, doanh nghiệp này đạt LNST 20,4 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm 2015 và bằng 1/5 kế hoạch đề ra cho năm tài chính 2016. Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 cũng chỉ đạt 91% kế hoạch năm.

Mặc dù kết quả kinh doanh đi xuống, song ban lãnh đạo SJC vẫn có mức thu nhập “khấm khá”, thậm chí được chi vượt kế hoạch. Cụ thể, 9 lãnh đạo Hội đồng thành viên, Ban giám đốc và Ban kiểm soát của SJC nhận tổng thu nhập 3,55 tỷ đồng trong năm 2015, tăng tới 60% so với kế hoạch 2,23 tỷ đồng được phê duyệt. Trong đó Chủ tịch HĐTV Đỗ Công Chính thực nhận 580 triệu đồng (kế hoạch 324 triệu đồng) hay Phó TGĐ Đào Công Thắng được nhận 469 triệu đồng, gấp 1,7 lần kế hoạch.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến