Dòng sự kiện:
PAN Group không chia cổ tức, để dành tiền cho các thương vụ M&A
07/04/2022 14:28:40
Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng kết quả kinh doanh của PAN Group trong năm 2021 tương đối khả quan nhưng HĐQT của doanh nghiệp lại đề xuất không chia cổ tức.

Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố, HĐQT Tập đoàn PAN (PAN Group, MCK: PAN) cho biết, năm 2021, với đặc thù hoạt động kinh doanh trải dài khắp cả nước, trong đó nhiều nhà máy chủ lực nằm ở miền Nam, PAN Group đã không tránh khỏi những khó khăn chung từ dịch bệnh. Tuy nhiên doanh nghiệp cho biết đã kịp thời đề ra các kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt nhằm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thị trường và tình hình dịch bệnh.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 9.972,5 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 509,8 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ đạt 295,3 tỷ, tăng gần 60% so với năm 2020. Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt 509,8 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 295,3 tỷ, tăng gần 60% so với 2020.

Các mảng kinh doanh có quy mô lớn và tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế bao gồm: mảng tôm xuất khẩu, tăng trưởng 27%; mảng giống cây trồng, tăng trưởng 16% và mảng hạt và snack, tăng trưởng 61%. Cá tra và nước mắm cũng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng lần lượt là 133% và 25%, ở quy mô nhỏ hơn.

Với nhiều thành tựu đạt được trong năm 2021 như vậy nhưng doanh nghiệp cho biết sẽ không chi trả cổ tức để dồn nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược M&A cho tăng trưởng của Tập đoàn trong giai đoạn tới.

Năm 2022, PAN Group nhận định các mảng kinh doanh của Tập đoàn đều có kế hoạch tăng trưởng tốt về cả doanh thu và lợi nhuận.

Mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch bệnh, dãn cách năm 2022. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh Giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.

Mảng thực phẩm bánh kẹo (BBC) dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch. Trong khi đó mảng hạt xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao từ năm 2021, sẽ thực hiện việc tăng quy mô sản xuất trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu rất cao hiện tại với các sản phẩm của Công ty.

Trong khi đó mảng xuất khẩu thủy sản (FMC, ABT) sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật,..khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất cả năm kết quả kinh doanh của VFG cũng sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng năm 2022 của cả Tập đoàn.

Vì vậy, trong năm 2022, PAN đặt kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với thực hiện trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 355 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm trước.

Dù vậy, lãnh đạo tập đoàn cũng nhìn nhận dịch Covid-19 vẫn còn là nỗi lo tiềm ẩn, có thể tiếp tục gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách về thuế và các chính sách liên quan đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu của chính phủ có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như đầu ra.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Cuối cùng, chuỗi cung ứng về dịch vụ vận tải cũng như hàng hóa đã và đang chịu đứt gãy do bệnh dịch, gần đây tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột địa chính trị tại Đông Âu. Giá cả trên thị trường tăng cao theo đà tăng của thế giới gây ra nhiễu nỗi lo ngại cho Tập đoàn.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến