Phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do VCCI công bố sáng 11/4 cũng ghi nhận kết quả điều tra của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm qua.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 giảm 11% so với năm trước, chỉ đạt 27,72 tỷ USD; trong đó, vốn FDI đăng ký mới giảm 18,4% so với năm 2021, đạt 12,45 tỷ USD.
Điều tra PCI dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 (gọi tắt là điều tra PCI-FDI) có sự phản hồi của các doanh nghiệp tại 51 tỉnh thành tại Việt Nam, trong đó tập trung ở 19 địa phương có mật độ đầu tư nước ngoài lớn nhất. Năm nay, có 1.282 doanh nghiệp FDI đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia điều tra PCI-FDI.
Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022.
“Trong khi năm 2021 chứng kiến tỉ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỉ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỉ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022”, kết quả PCI-FDI 2022 chỉ ra.
Phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu. Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động.
Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.
Lao động thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng
Theo kết quả điều tra PCI-FDI 2022, thời gian trung bình một lao động gắn bó với doanh nghiệp là từ 1 - 3 năm. Lao động ở một số doanh nghiệp FDI khác có thời gian làm việc trung bình dài hơn, từ 3 - 5 năm (29% doanh nghiệp FDI) và từ 5 năm trở lên (18%). Tuy nhiên sau đại dịch, việc giữ chân lao động trở nên khó khăn hơn.
Về thu nhập của người lao động, mức lương tháng trung bình của người lao động tại nhiều doanh nghiệp FDI là từ 7 triệu đồng trở lên.
Doanh nghiệp FDI điển hình, chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp FDI, áp dụng mức lương tháng từ 7 - 10 triệu đồng (350 - 500 USD).
Một số doanh nghiệp FDI khác (23,9%) chi trả mức lương trung bình trên 10 triệu đồng. Rất ít doanh nghiệp FDI nằm trong hai nhóm cuối: chỉ 0,8% doanh nghiệp FDI áp dụng mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng (7 doanh nghiệp tham gia khảo sát)53 và 2,9% doanh nghiệp FDI trả lương 3-5 triệu đồng/tháng.
Theo vùng địa lý, các doanh nghiệp FDI ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng trả lương cao nhất cho người lao động, trung bình từ 7 triệu đồng mỗi tháng, với tỉ lệ lần lượt là 70% và 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Thống kê cho thấy, lao động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ được trả lương cao hơn cả. 84% doanh nghiệp FDI ngành xây dựng chi trả trung bình từ 7 triệu đồng trở lên cho những vị trí không phải quản lý. Con số tương ứng trong ngành dịch vụ là 70%.
Ngược lại, chỉ có 57% doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và 59% trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng mức lương này.
Cũng theo kết quả điều tra, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô. Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Theo điều tra, có 33% doanh nghiệp FDI có dự định tăng quy mô trong năm tới - đây là mức sụt giảm mạnh so với mức 47,7% của năm 2021, giai đoạn khởi sắc ngắn ngủi sau dịch và thấp hơn nhiều so với mức trước dịch, khi con số này chưa bao giờ xuống dưới 45% trong thời gian từ 2014 đến 2019.
Đáng chú ý, doanh nghiệp FDI hoạt động tại các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Bộ như Bình Dương và Đồng Nai lại tỏ ra thận trọng nhất với việc mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai, trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hưng Yên và Bắc Giang.
“Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là bởi sự dịch chuyển trong cơ cấu lao động giữa các vùng miền và giữa các ngành nghề”, nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy