Ngày 14/5, Petrosetco thông qua hạn mức tín dụng lên tới 600 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, thời gian tối đa 12 tháng và hạn mức vay không có tài sản đảm bảo. Trong đó, hạn mức tín dụng bao gồm cho vay ngắn hạn, bảo lãnh ngắn hạn, hạn mức thư tín dụng ngắn hạn và hạn mức thẻ tín dụng.
Mục đích huy động vốn, Petrosetco cho biết thêm để tài trợ các nhu cầu tín dụng ngắn hạn hợp lý, hợp lệ, hợp pháp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không bao gồm nhu cầu ngắn hạn phục vụ cho các hoạt động đầu tư tài chính cố định, bảo lãnh vay vốn.
Được biết, tính tới cuối quý I/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Petrosetco tăng 13,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 601,4 tỷ đồng, lên 5.128,2 tỷ đồng và bằng tới 234,5% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 2.186,6 tỷ đồng).
Đại hội đồng cổ đông năm 2024 bất thành
Một điểm đáng lưu ý, sáng ngày 26/4, Petrosetco tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 nhưng chỉ có 36,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn yêu cầu tối thiếu trên 50%, vì vậy Đại hội đã không thể tổ chức và Công ty sẽ phải tổ chức lần hai trong vòng 30 ngày kể từ Đại hội lần một bất thành (thời gian cụ thể chưa công bố).
Được biết, tại thời điểm 31/3/2024, Petrosetco chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 23,21% vốn điều lệ, còn lại 76,79% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Trước đó, trong tài liệu Đại hội ngày 26/4, về nhân sự, Petrosetco trình cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Thanh Cần và ông Nguyễn Quý Thịnh, đồng thời dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên mới cho nhiệm kỳ 2024-2029.
Được biết, ông Trịnh Thanh Cần được bổ nhiệm vào thành viên độc lập Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027 từ ngày 28/6/2022.
Ngoài ra, điểm đáng lưu ý, trước đó, ngày 1/2/2024, Petrosetco cho biết nhận được thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Quý Thịnh, thành viên HĐQT độc lập Petrosetco vì đã có hành vi nhận hối lộ, phạm vào Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Petrosetco khẳng định đây là hành vi cá nhân của thành viên HĐQT độc lập và sẽ được Cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sự việc này không làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến các hoạt động, lợi ích chung của Petrosetco và các bên liên quan.
Petrosetco cũng cho biết đang hợp tác với cơ quan chức năng theo đúng phạm vi quy định và sẽ dựa trên kết luận, phán quyết của pháp luật để thi hành các thủ tục về công tác tổ chức cán bộ thích ứng.
Lợi nhuận đi ngang trong quý đầu năm 2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.269,04 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 39,38 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,3%, về còn 3,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 8,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 15,59 tỷ đồng, về 166,74 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 49,8%, tương ứng giảm 31,75 tỷ đồng, về 32 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 63,8%, tương ứng giảm 56,06 tỷ đồng, về 31,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,5%, tương ứng tăng 12,41 tỷ đồng, lên 120,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý đầu năm mặc dù lợi nhuận gộp, doanh thu tài chính giảm nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm nhẹ, chủ yếu do tiết giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ.
Được biết, trong năm 2024, Petrosetco đặt kế hoạch doanh thu 18.540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 205 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện trong năm 2023.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lãi sau thuế 39,38 tỷ đồng, Petrosetco đã hoàn thành 19,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền âm 718,6 tỷ đồng khi tăng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn
Trái với lợi nhuận giảm nhẹ, dòng tiền kinh doanh trong quý I/2024 lại có dấu hiệu suy giảm và âm kỷ lục. Trong đó, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 718,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 444,6 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 6,8 tỷ đồng; và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 601,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2014 đến năm 2023, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Petrosetco âm kỷ lục như trong quý I/2024. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2023 với giá trị âm 299,9 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Petrosetco tăng 10% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 944,9 tỷ đồng, lên 10.424,4 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.580 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.232,4 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.048,7 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 36,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 863,4 tỷ đồng, lên 3.232,4 tỷ đồng; tồn kho tăng 7,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 146,3 tỷ đồng, lên 2.048,7 tỷ đồng …
Như vậy, việc tăng tồn kho, đồng thời tăng phải thu ngắn hạn là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền âm kỷ lục trong quý đầu năm 2024.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy