Petrosetco âm thầm cắt lỗ cổ phiếu đỉnh điểm trong quý IV/2022 khi thị trường tạo đáy. Ảnh: Lê Toàn
Phất lên nhờ ký hợp đồng phân phối sản phẩm Apple
Tháng 6/2020, Petrosetco chính thức trở thành nhà phân phối ủy quyền sản phẩm Apple tại thị trường Việt Nam với dòng sản phẩm đầu tiên là iPhone SE 2020.
Kể từ đây, nhà đầu tư trong nước đã có thêm một cổ phiếu hưởng lợi gián tiếp từ các đợt mở bán sản phẩm Apple, bên cạnh các doanh nghiệp bán lẻ như FPT Retail (mã FRT), Thế giới Di động (mã MWG).
Trong năm đầu tiên phân phối (chủ yếu 6 tháng cuối năm 2020), lợi nhuận gộp lĩnh vực bán thiết bị viễn thông, máy tính ghi nhận 474,81 tỷ đồng, chiếm 56% tổng lợi nhuận gộp trong năm và tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tổng lợi nhuận gộp trong năm 2020 cũng tăng 9,5% so với cùng kỳ, lên 668,9 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm đầu tiên phân phối sản phẩm Apple, hoạt động mua bán thiết bị viễn thông, máy tính đã tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của cả công ty. Ngược lại, hai lĩnh vực đi lùi lần lượt giảm 13% và 4,3% là cung cấp vật tư, thiết bị chuyên ngành dầu khí và kinh doanh bán buôn các sản phẩm hạt nhựa, xơ sợi, khí gas.
Bước sang năm thứ 2 phân phối sản phẩm Apple (năm 2021), Petrosetco báo cáo lợi nhuận gộp tăng 40,4%, lên 939,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính ghi nhận mức tăng 62,3%, lên 608,45 tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng lợi nhuận gộp của cả công ty.
Nếu Petrosetco không đầu tư ngoài ngành thì vẫn bảo toàn vốn được 247,41 tỷ đồng trong năm 2022, đồng thời với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, Công ty có thể giảm áp lực nợ vay.
Tuy nhiên, năm thứ ba (năm 2022) khi chịu ảnh hưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, thu nhập người dân thấp đi, sản lượng tiêu thụ sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp bán lẻ đều giảm. Khi Apple ra dòng iPhone 14 (về Việt Nam tháng 10/2022), doanh số các chuỗi phân phối và bán lẻ không còn tăng như trước.
Kết thúc năm 2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu tăng 0,4% lên 17.665,4 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 46,1% về còn 167,84 tỷ đồng và chỉ hoàn thành được 50,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong đó, đối với lĩnh vực phân phối điện thoại, trong quý IV/2022, doanh thu giảm 0,2% về còn 2.129 tỷ đồng và đóng góp 50,6% tổng doanh thu, luỹ kế cả năm 2022, doanh thu vẫn tăng 21,1% lên 7.222 tỷ đồng và chiếm 46,6% tổng doanh thu.
Có thể thấy, sau 2 năm (2020 và 2021), hoạt động phân phối sản phẩm Apple đã giúp mảng mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của Petrosetco. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đã có dấu hiệu không tăng trưởng và bắt đầu giảm trong quý IV/2022.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính còn ghi nhận âm 569,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 233,4 tỷ đồng (dòng tiền âm 3 năm liên tục từ 2020 đến 2022).
Âm thầm cắt lỗ khoảnđầu tư ngoài ngành
Thực tế, trước khi trở thành nhà phân phối của Apple, Petrosetco đã khá thận trọng. Tính tới cuối năm 2019, gần như không đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó danh mục đầu tư chứng khoán liền “phình to”.
Cụ thể, năm 2020 đầu tư 68,1 tỷ đồng, năm 2021 đầu tư 231,6 tỷ đồng và đỉnh điểm là tới ngày 30/6/2022 đầu tư tới 419,3 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán.
Nhưng sau đó, Petrosetco lại âm thầm cắt lỗ và hạ tỷ trọng đầu tư chứng khoán. Trong đó, thời điểm 30/9/2022 chỉ còn đầu tư 347,2 tỷ đồng và thời điểm 31/12/2022 chỉ còn đầu tư 24,5 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2022, Petrosetco đã ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán 247,41 tỷ đồng, gấp 48,1 lần so với cùng kỳ. Có thể thấy, việc lỗ tới 247,41 tỷ đồng trong năm 2022, bằng 2,73% tổng tài sản tính tới ngày 31/12/2022 là nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của Công ty.
Theo tìm hiểu, tính tới cuối năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 23,19% vốn điều lệ tại Petrosetco, còn lại 76,81% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông khác.
Petrosetco được thành lập từ năm 1996, niêm yết trên sàn HoSE năm 2007. Tại thời điểm niêm yết, Công ty có 3 cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (sở hữu 51% vốn điều lệ); CTCP Chứng khoán Sài Gòn tại Hà Nội (sở hữu 13,55% vốn điều lệ); CTCP Chứng khoán TP.HCM (sở hữu 11,13% vốn điều lệ); còn lại 24,32% thuộc nhóm cổ đông khác. Trong đó, cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Có thể thấy, cổ đông lớn của Petrosetco vẫn là doanh nghiệp nhà nước, nhưng Công ty đã liên tục đầu tư ngoài ngành và gây thua lỗ lớn. Trái với việc đầu tư thiếu thận trọng và gây thua lỗ lớn của Petrosetco, các doanh nghiệp liên quan dầu khí khác thường thận trọng, nắm giữ tiền và gửi ngân hàng là chủ yếu.
Chẳng hạn PV Gas, tính tới cuối năm 2022, sở hữu lên tới 34.275,8 tỷ đồng gồm tiền và đầu tư tài chính, chiếm 41,4% tổng tài sản, chủ yếu để tiền tại quỹ và gửi ngân hàng, không đầu tư chứng khoán. Tại PV Trans, đang sở hữu 4.505,4 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng tài sản, chủ yếu tiền tại quỹ và gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, không đầu tư chứng khoán. Tương tự, PTSC cũng sở hữu 10.057,8 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản, chủ yếu là tiền tại quỹ, tiền gửi ngân hàng và không đầu tư chứng khoán.
Có thể thấy, đa phần lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều rất thận trọng trong việc tham gia thị trường chứng khoán do biến động mạnh, rủi ro cao. Điều này ngược lại với Petrosetco, mặc dù liên tục lỗ hoạt động tài chính, nhưng đang có dấu hiệu đẩy mạnh tham gia thị trường chứng khoán và âm thầm cắt lỗ lớn trong năm 2022, chủ yếu là quý IV/2022.
Việc đầu tư trái ngành vào chứng khoán và thực hiện cắt lỗ, sau đó thị trường hồi phục thường diễn ra với các nhà đầu tư không chuyên trên sàn chứng khoán nên thường “mua đỉnh, bán đáy”.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy