Dòng sự kiện:
PGBank: Không sáp nhập trong 5 năm tới, hé lộ nhóm cổ đông thay thế Petrolimex
26/04/2023 08:03:40
3 doanh nghiệp vừa công bố đã trở thành cổ đông lớn của PGBank kể từ ngày 13/4 là Cty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh, Cty Cổ phần Quốc tế Cường Phát và Cty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức.

PGBank: Không có kế hoạch sáp nhập trong vòng 5 năm tới, hé lộ nhóm cổ đông thay thế Petrolimex

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2023 vào sáng nay (25/4) với tổng số cổ đông và người tham dự là 38 người, đại diện cho 96,4% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội, ông Nguyễn Phi Hùng, Tổng giám đốc PGBank dự báo năm 2023 còn nhiều khó khăn hơn cả năm 2022. Ngân hàng lên kế hoạch tổng tài sản năm 2023 đạt 53.051 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thời điểm cuối năm 2022. Tổng huy động dự kiến đạt 47.213 tỷ đồng, tăng 10,6%. Trong đó, huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 14,8%.

Dư nợ tín dụng mục tiêu đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 11,2%. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch năm 2023 đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng 4,8% so với mức thực hiện năm 2022.

PGBank dự kiến giữ lại lợi nhuận và không tiến hành chia cổ tức.

Chủ tịch Nguyễn Quang Định cho biết năm 2023 vẫn chưa trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức do cổ đông là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa tiến hành thoái vốn. Việc chia cổ tức trong thời gian tới phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông mới.

Tuy nhiên, với lợi nhuận tích luỹ của ngân hàng tính đến nay đạt khoảng 1.267 tỷ đồng, PGBank hoàn toàn có khả năng phân phối lợi nhuận cho cổ đông với tỷ lệ 40%.

Nhóm cổ đông thay thế Petrolimex sau khi thoái vốn bao gồm 1 nhà đầu tư cá nhân và 3 nhà đầu tư là tổ chức, sở hữu 13 – 14% cổ phần và dự kiến trở thành cổ đông lớn của PGBank. Trong tháng 5, sau khi hoàn tất các thủ tục, các nhà đầu tư mới sẽ chính thức tham gia hoạt động quản trị của PGBank.

Về hoạt động của PGBank sau khi Petrolimex thoái vốn, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết tỷ lệ huy động vốn của Petrolimex trong tổng cơ cấu huy động của PGBank chỉ chiếm khoảng 5%, là con số không lớn. Do đó, dù không còn là cổ đông lớn, tác động của Petrolimex tới hoạt động của PGBank chỉ ở một mức độ nào đó. Với quan hệ gắn bó nhiều năm giữa 2 bên, PGBank và Petrolimex sẽ tiếp tục hợp tác và giao dịch trong thời gian tới trên cơ sở đối tác, 2 bên cùng có lợi.

Sau khi Petrolimex thoái vốn, nhiều thông tin trên thị trường cho rằng PGBank sẽ sáp nhập với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Chủ tịch Nguyễn Quang Định cho biết trong định hướng 5 năm tới, PGBank không có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng nào và sẽ tiếp tục hoạt động độc lập.

Hiện MSB không sở hữu cổ phần PGBank và ngược lại. Ban lãnh đạo PGBank cho biết việc ngân hàng sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng khác được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất kỹ theo quy định.

Theo thông tin mới cập nhật, 3 đơn vị vừa công bố về việc trở thành cổ đông lớn của PGBank kể từ ngày 13/4. Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh cho biết đã mua vào hơn 39,2 triệu cổ phiếu PGB, nắm giữ 13,1% vốn ngân hàng này. Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát đã mua vào hơn 40,6 triệu cổ phiếu PGB, nắm giữ 13,54% vốn của PGBank. Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua vào hơn 40 triệu cổ phiếu PGB, nắm giữ 13,36% vốn.

Tổng cộng, 3 doanh nghiệp này nắm giữ gần 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 40%. Như vậy, đây có thể là nhóm cổ đông đã mua vào số lượng cổ phiếu PGB mà Petrolimex đã thoái vốn.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến