Dòng sự kiện:
Phải chăng Silicon Valley Bank sụp đổ vì Fed cứng nhắc?
26/03/2023 06:04:23
Silicon Valley Bank (SVB) muốn vay 20 tỷ USD trong ngày 9/3 để trả cho làn sóng người rút tiền nhưng thất bại vì Fed cứng nhắc.

Silicon Valley Bank (SVB) sở hữu hàng trăm tỷ USD trái phiếu rủi ro thấp trong tay. Vậy tài sao họ không thể huy động đủ tiền sau khi bị rút 42 tỷ USD trong ngày 9/3? Theo các thông tin mới từ Wall Street Journal (WSJ), Silicon Valley Bank đã cố vay nhưng bất thành, lý do đơn giản là thủ tục đi vay quá rườm rà.

Vào cuối buổi sáng 9/3, làn sóng rút tiền tăng tốc, Silicon Valley Bank liền tìm đến chi nhánh San Francisco của Hệ thống FHLB và hỏi vay 20 tỷ USD.

Silicon Valley Bank đã để sẵn tài sản bảo đảm tại FHLB San Franciso, nhưng số tiền SVB muốn vay quá lớn với FHLB vào lúc đó, Hệ thống này không xoay kịp vì họ sẽ cần phải đi vay ở nơi khác về để cho SVB vay lại.

FHLB đề xuất cho Silicon Valley Bank vay một số tiền nhỏ hơn nhưng SVB từ chối và chuyển sang phương án 2 là đề nghị FHLB chi nhánh San Francisco chuyển 20 tỷ USD tài sản bảo đảm sang cửa sổ chiết khấu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Lúc này một vấn đề khác lại phát sinh. SVB đang có sẵn khoản vay tại FHLB San Francisco nên ngân hàng này cần phải xác định xem phải giữ lại bao nhiêu tài sản bảo đảm và có thể chuyển cho Fed bao nhiêu.

SVB cũng cố gắng chuyển 20 tỷ USD tài sản tới Fed thông qua ngân hàng lưu ký của mình là Bank of New York Mellon (BNY Mellon). Lúc này đã là buổi chiều 9/3 và hết thời gian tiếp nhận giao dịch của BNY Mellon.

Tổng Giám đốc của SVB khi đó là ông Greg Becker đã gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc của BNY Mellon và đề nghị "du di" thời gian giao dịch. BNY Mellon đồng ý sẽ cố gắng hết sức.

Trong vài giờ sau đó, BNY Mellon làm việc cùng SVB và các quan chức Fed ở Washington và New York – những người chịu trách nhiệm liên quan tới việc chuyển chứng khoán tới cửa sổ chiết khấu để Fed cho ngân hàng vay tiền. BNY Mellon cũng nhập tất cả thông số giao dịch với Fed.

Fed yêu cầu phải giao dịch thử một lần trước khi chuyển chứng khoán thật. Giao dịch thử này làm tốn thêm thời gian, còn Fed nhất quyết dừng hoạt động vào lúc 4h chiều như thường lệ, không đồng ý kéo dài thời gian giao dịch.

Kết quả là SVB không nhận được khoản tiền vay khẩn cấp 20 tỷ USD trong ngày 9/3, số dư tiền cuối ngày là âm 958 triệu USD.

Ngày hôm sau 10/3, số tài sản đảm bảo mà BNY Mellon chuyển thay cho SVB đã tới tay Fed. Hệ thống Ngân hàng Cho vay Nội bộ Liên bang (FHLB) chi nhánh San Francisco cũng đang làm thủ tục chuyển chứng khoán cho Fed. Đúng lúc này, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản hoạt động của SVB. Mọi nỗ lực cho SVB vay vốn đều vô nghĩa.

“Chúng tôi đang trong quá trình chuyển tài sản thế chấp và đang đợi điện thoại từ Fed và SVB. Trong khi đợi, chúng tôi nhận được tin FDIC đã tiếp quản SVB”, một người phát ngôn của FHLB San Francisco chia sẻ với WSJ.

SVB sụp đổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có các quyết định sai lầm trong kinh doanh và quản trị rủi ro của chính ngân hàng này. Cho dù nhanh chóng vay được 20 tỷ USD vào ngày 9/3 như mong muốn, SVB nhiều khả năng vẫn sẽ sập tiệm vào ngày hôm sau, hoặc hôm sau nữa.

Tuy nhiên, Fed và các tổ chức tài chính khác cũng cần rút ra bài học cho riêng mình để xử lý tốt hơn những vụ việc khác.

Hệ thống tài chính nói riêng và xã hội con người nói chung đã có những bước tiến dài trong một thế kỷ qua. Trước đây, tin đồn về nguy cơ ngân hàng phá sản lan truyền trên phố hoặc báo in. Khách hàng muốn rút tiền phải tìm tới ngân hàng, đợi đến lượt gặp giao dịch viên, đếm tiền rồi mang về.

Ngày nay, tin đồn được lan truyền qua mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Người rút tiền không cần kéo đến ngân hàng mà có thể thực hiện qua ứng dụng (app) di động ở mọi nơi. Hàng tỷ USD có thể bị rút khỏi ngân hàng chỉ trong vài phút.

Các đợt rút tiền ồ ạt (bank run) ngày nay diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều, nhưng cách xử lý của Fed dường như vẫn rất chậm chạp và cứng nhắc. Một ngân hàng đang nguy cấp như SVB đã không thể vay thêm tiền chỉ vì thủ tục mất thời gian và hết giờ giao dịch, không phải vì những lý do lớn lao như thiếu tài sản bảo đảm hay quy định pháp luật ngăn cấm.

Tác giả: Thiên Uyên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến