Dòng sự kiện:
Phân nửa tài sản của FPT Telecom gửi ở ngân hàng
29/07/2023 17:21:41
Đến cuối quý II/2023, FPT Telecom có 10.632 tỷ đồng gửi ngân hàng - chiếm gần 49% tổng tài sản doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 CTCP Viễn Thông FPT (FPT Telecom, HoSE: FOX) vừa công bố, quy mô tài sản của doanh nghiệp đến ngày 30/6/2023 chạm mức 21.807 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm.

Phần tăng đến từ khoản đầu tư tài chính nới rộng 78% so với đầu năm lên 10.466,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm sâu từ 1.418,6 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 163,7 tỷ đồng ở cuối quý II.

Nhìn chung, lượng tiền và tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp vẫn tăng 45% so với đầu năm lên mức 10.632 tỷ đồng - chiếm gần 49% tổng tài sản doanh nghiệp.

Mặt khác, nợ vay tài chính của FPT Telecom tăng đến 76% so với đầu năm lên 9.054 tỷ đồng – chiếm 41% tổng nguồn vốn và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, công ty không nêu rõ các khoản vay đến từ đâu.

Thời điểm cuối quý II, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi của doanh nghiệp viễn thông này tăng 8% so với đầu năm lên 525,2 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của FPT Telecom chạm mốc 8.104 tỷ đồng, nhích nhẹ so với hồi đầu năm, trong đó có gần 778 tỷ đồng vốn góp. Cụ thể, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 50,17% vốn điều lệ, tương đương nắm giữ 164,7 triệu cp FOX, Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) sở hữu 45,66% vốn điều lệ, tương đương 149,9 triệu cp FOX. Các cổ đông khác nắm 4,17% số cổ phần còn lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn tích luỹ được 3.051 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Lãi kỷ lục 632 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh trong quý II/2023, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần 3.892 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Do giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị co hẹp từ 49,2% còn 45,1%, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 1.754 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính tăng 5% lên 211 tỷ đồng song khi chi phí tài chính được tiết giảm 6% so với cùng kỳ xuống 119 tỷ đồng.

Kết quả, FPT Telecom lãi sau thuế 632 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, đây là mức lãi quý kỷ lục của doanh nghiệp viễn thông này kể từ khi lên sàn chứng khoán đầu năm 2017.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần 7.682 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.524 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 4% so với cùng kỳ.

So với mục tiêu năm 2023 đem về 16.730 tỷ đồng doanh thu và 3.230 tỷ đồng, FPT Telecom đã đạt được 46% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Ông Hoàng Nam Tiến rời vị trí Chủ tịch

Về biến động nhân sự cấp cao trong quý II, ông Hoàng Nam Tiến đã thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT FPT Telecom sau 3 năm đảm nhiệm từ ngày 25/4/2023.

Ông Hoàng Việt Anh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom thay ông Hoàng Nam Tiến nhiệm kỳ 2023 – 2028. Theo doanh nghiệp, tân Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh là người có năng lực quản trị và gắn kết đội ngũ mạnh mẽ. Ông Hoàng Việt Anh có hơn 5 năm gắn bó với FPT Telecom trong vai trò Tổng Giám đốc và có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của công ty giai đoạn 2018 – 2023.

Tân Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh.

Cùng ngày, FPT Telecom cũng công bố việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Linh vào vị trí Tổng Giám đốc. Tân Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh là nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm với chuyên môn sâu rộng về hoạt động kinh doanh.

Ông Linh đã có hơn 15 năm gắn bó với FPT Telecom, trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau từ tài chính, truyền hình. Gần nhất, ông Nguyễn Hoàng Linh đảm nhận vai trò quản lý toàn bộ khối kinh doanh khách hàng phổ thông (mass) và dịch vụ khách hàng của FPT Telecom.

Theo FPT, tập đoàn này vừa thực hiện việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ cấp cao nhằm tạo trải nghiệm đa dạng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về nguồn lực quản lý.

Tác giả: Trần Thị Tú Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến