Theo Sputnik, trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Serbia, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/1 khẳng định Nga không muốn có cuộc chạy đua vũ trang mới.
"Chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước việc Mỹ triển khai tên lửa hành trình (tại châu Âu) cũng như mối đe dọa trực tiếp của chúng tới an ninh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp. Tuy nhiên, với tư cách là một quốc gia hiểu biết và có trách nhiệm, Nga không quan tâm tới một cuộc chạy đua vũ trang mới", Tổng thống Putin nói.
Theo ông Putin, vào tháng 12/2018, Nga đã gửi cho Mỹ một số đề xuất về việc duy trì Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận này. Ông Putin cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Mỹ về một chương trình chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhận định Mỹ dường như đang thực thi chính sách hủy bỏ cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Tổng thống Nga Putin
"Dù Mỹ nói rằng họ muốn rút khỏi INF, chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại về việc làm thế nào để có thể duy trì hiệp ước đó. Chúng tôi đã gửi đi nhiều đề xuất cụ thể về vấn đề này với Mỹ từ tháng 12… Tuy nhiên Mỹ đang cố gắng phá vỡ hệ thống các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ khí, hoặc họ chỉ tuân thủ những điều khoản phục vụ cho lợi ích của họ. Việc họ thông báo rút khỏi INF là một mắt xích tiếp theo trong chuỗi hoạt động phá vỡ như vậy", ông Putin cho hay.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Putin cũng hối thúc các đối tác phương Tây thiết lập cuộc đàm phán dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Theo nhà lãnh đạo Nga, đây là nhân tố chủ chốt để giữ cho hòa bình toàn cầu và ổn định an ninh khu vực.
"Tình hình hiện nay là kết quả của các hành động đơn phương liên tiếp do Mỹ và một số nước phương Tây thực hiện, bao gồm việc sử dụng vũ lực. Điều này đã tạo ra bầu không khí đối đầu và ngờ vực", ông Putin nhận định.
Tổng thống Putin nhấn mạnh sự mở rộng của NATO tại châu Âu là chiến lược mang tính hủy diệt, đồng thời mô tả chính sách này là "di sản chiến tranh Lạnh". Ông Putin nhận định, NATO đang tìm cách củng cố vị thế của khối này tại khu vực Balkan.
Sự đổ vỡ của đàm phán INF
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn của Nga và Mỹ nhằm cứu vãn Hiệp ước INF tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 15/1 đã đổ vỡ khi hai bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau.
Nga đổ lỗi cho Mỹ về nguy cơ sụp đổ INF. Các hãng thông tấn của Nga dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Sergei Ryabkov, nhấn mạnh: "Trách nhiệm cho việc này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ". Thứ trưởng Ryabkov, Trưởng đoàn đàm phán Nga, cho biết hai bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào và Washington dường như không định tiến hành thêm các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố Nga vẫn tiếp tục "vi phạm đáng kể" INF, làm gia tăng khả năng Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson tuyên bố: "Cuộc họp gây thất vọng khi rõ ràng Nga tiếp tục vi phạm đáng kể hiệp ước và không hề sẵn sàng giải thích cách thức Nga dự định thực thi trở lại (hiệp ước) một cách đầy đủ và có kiểm chứng." Bà khẳng định lập trường của Mỹ rằng Nga cần phải phá hủy hệ thống tên lửa vi phạm.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Tháng 12/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ rút lui khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung trong vòng 60 ngày nếu Nga không tháo dỡ các tên lửa mà Mỹ tuyên bố vi phạm thỏa thuận, bao gồm hệ thống 9M729, còn được biết đến bởi ký hiệu SSC-8.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga bỏ qua hàng chục cảnh báo từ các quan chức cấp cao của Mỹ trong 5 năm qua về SSC-8. Trong khi đó Thứ trưởng Ryabkov cho biết các cuộc đàm phán tại Geneva tập trung vào hệ thống SSC-8 nhưng yêu cầu của Mỹ liên quan đến tên lửa là không thể chấp nhận được.
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy