Dòng sự kiện:
Phản ứng của các NHTW châu Á với Fed
01/10/2018 10:27:03
Sự thắt chặt lại chính sách tiền tệ của Fed đã tạo áp lực lớn đến các đồng tiền châu Á...

Cuống cuồng tăng lãi suất theo Fed

Trong một tuyên bố đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên chính sách tiền tệ “lỏng lẻo”, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 25 điểm cơ bản lên 2,00-2,25%, lần tăng lãi suất thứ 3 trong năm nay và là lần tăng thứ 8 kể từ cuối năm 2015. Chưa dừng lại ở đó, Fed vẫn để ngỏ khả năng sẽ tăng tiếp lãi suất 1 lần nữa trước khi kết thúc năm và dự kiến sẽ tăng thêm 3 lần vào năm 2019, 1 lần vào năm 2020.

Trụ sở Fed

Sự thắt chặt lại chính sách tiền tệ của Fed đã tạo áp lực lớn đến các đồng tiền châu Á. Tình hình còn tồi tệ hơn đối với các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và điều đó đã buộc NHTW các nền kinh tế này cuống cuồng tăng lãi suất theo chân Fed để chặn lại đà rơi của đồng nội tệ cũng như ngăn ngừa lạm phát.

Indonesia là một ví dụ. Động thái tăng lãi suất của Fed hôm 27/9 đã buộc NHTW nước này phải tăng lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 5,75% nhằm bảo vệ đồng rupiah trước xu hướng bán tháo tài sản của các thị trường mới nổi trên toàn cầu. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 kể từ tháng 5 với mức tăng tổng cộng lên tới 1,5 điểm phần trăm, khiến NHTW Indonesia trở thành một trong những NHTW tăng lãi suất mạnh nhất trong khu vực nhằm chống lại khủng hoảng thị trường.

Đồng rupiah của Indonesia đã giảm 9% so với đồng USD trong năm nay, mức giảm tồi tệ nhất ở châu Á chỉ sau đồng rupee của Ấn Độ. Tuy nhiên giới chuyên gia và các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ động thái tăng lãi suất liên tục kể từ tháng 5 cộng với các biện pháp nhằm kéo giảm thâm hụt tài khoản vãng lai mà Chính phủ nước này đang thực thi có đủ sức để ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ.

Cũng giống như Indonesia, NHTW Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) hôm 27/9 cũng đã buộc phải tăng lãi suất repo ngược qua đêm thêm nửa điểm phần trăm lên 4,5%. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 4 của Philippines kể từ tháng 5 với mức tăng tổng cộng tới 150 điểm cơ bản. “Hội đồng tiền tệ đã thừa nhận rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa được đảm bảo bởi các dấu hiệu dai dẳng của áp lực giá cả kéo dài”, NHTW Philippines cho biết trong một tuyên bố.

Nền kinh tế Philippines đang bị đe dọa do giá cả tăng cao mà Standard Chartered Plc dự báo, lạm phát tại nước này sẽ vượt quá 7% trong quý tới. NHTW Philippines cũng dự đoán lạm phát sẽ vượt qua mục tiêu 2% đến 4% của mình trong năm 2018 và 2019, trung bình đạt 5,2% trong năm nay và 4,3% vào năm tới. Đồng peso Philippines đã để mất khoảng 8% giá trị so với đồng USD trong năm nay, một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở châu Á.

“Chúng tôi không loại trừ NHTW Philippines sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp tháng 11”, Emilio Neri - kinh tế gia trưởng của Bank of the Philippine Islands ở Manila cho biết. “Chúng tôi cũng dự kiến lãi suất sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào năm 2019”.

Trong khi cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã chuyển sang cơ chế “neo cứng” với Fed vì đồng nội tệ là được gắn với đồng USD.

Với Ấn Độ, việc đồng Rupi đã giảm tới 12% kể từ đầu năm xuống mức thấp kỷ lục và là đồng tiền giảm giá tồi tệ nhất ở châu Á, cũng có thể là một yếu tố quan trọng đối với Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, vốn được dự kiến sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần tới.

Cơ hội khi đồng nội tệ giảm giá

Tuy nhiên không phải tất cả các nền kinh tế đều cần phải điều chỉnh chính sách của họ. Với những nền kinh tế có nền tảng tài chính tốt, họ lại xem sự sụt giảm của đồng nội tệ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang bùng phát trên toàn cầu.

Chẳng hạn như Trung Quốc, việc đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD có thể được xem là một giải pháp để ứng phó lại với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không phá giá tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày càng có ít phản ứng với động thái tăng lãi suất của Fed gần đây.

Theo đó, PBoC đã không có động thái gì sau lần tăng lãi suất của Fed hồi tháng 6. Trước đó, cơ quan này cũng chỉ tăng lãi suất một cách tượng trưng sau lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 3. Lần này cũng vậy, NHTW Trung Quốc hôm 27/9 vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn như hiện tại. Có nghĩa, chi phí lãi vay liên ngân hàng không có điều chỉnh sau khi Fed tăng lãi suất.

Cũng giống như Trung Quốc, Ngân hàng Dự trữ New Zealand vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,75%, không thay đổi trong suốt 2 năm qua. Lý do để giải thích cho động thái này là lạm phát vẫn còn yếu và nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giống như hầu hết các nền kinh tế ở châu Á, New Zealand hiện đang có mối liên hệ với Trung Quốc chặt chẽ hơn nhiều so với Mỹ.

Trong khi đó, Thống đốc NHTW Hàn Quốc Lee Ju-yeol cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như sự yếu kém của thị trường lao động và lạm phát yếu trong nước đang cản trở việc thắt chặt chính sách. Điều đó cũng có nghĩa, Hàn Quốc sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình như hiện tại.

Một nền kinh tế khác ở châu Á là Đài Loan cũng được kỳ vọng rất lớn là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 1,375%.

Rõ ràng nỗi lo kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ đang tác động mạnh hơn tới triển vọng lãi suất của hầu hết các nền kinh tế châu Á so với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

“Triển vọng kinh tế của Trung Quốc quan trọng hơn Mỹ”, Mark Wills - người phát triển chiến lược đa tài sản cho các khách hàng tổ chức của State Street Global Advisors cho biết.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến