Dòng sự kiện:
Phát triển hạ tầng thương mại: Giải pháp cơ chế chính sách
13/10/2020 20:02:13
Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025, định hướng năm 2030 là đòn bẩy quan trọng để định hướng phát triển ngành, cũng như tạo nền tảng cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố và đang thực hiện Quy hoạch phát triển ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng năm 2030, theo Quyết định 1891/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định 1891).

Đây là đòn bẩy quan trọng để định hướng phát triển ngành thương mại, cũng như tạo nền tảng cơ sở cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Định vị thị trường

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng năm 2030 dựa trên 4 lĩnh vực cốt lõi, gồm: xuất khẩu; hậu cần (logistics); hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn-bán lẻ.

Đây cũng là những lĩnh vực được xác định có lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8,55% đến 11,53%/năm; giai đoạn năm 2021-2025 từ 10,89% đến 14,02%/năm; giai đoạn năm 2026-2030 từ 6,82% đến 9,06%/năm.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.

Trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng năm 2030, cũng đặt mục tiêu xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối mở rộng hệ thống điểm bán, sớm hình thành những tập đoàn thương mại tầm cỡ trong khu vực.

Đặc biệt, ngành Công Thương có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát... Đồng thời, kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Để triển khai những mục tiêu theo Quy hoạch phát triển ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ thực hiện 8 đề án, chương trình nhánh như Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến 2025, định hướng đến 2030; Chương trình Hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ và Chương trình Bình ổn thị trường... để triển khai quy hoạch một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất.

Tháng Chín vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương hoàn chỉnh Đề án Phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đề án xác định rõ mục tiêu, cách thức triển khai; hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện đề án (KPI); đề xuất các giải pháp triển khai nhằm cân đối quyền lợi và trách nhiệm các bên và vai trò quản lý của Nhà nước; đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử phát triển thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và trong dài hạn.

Thích ứng "sân chơi" mới

Các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có nhiều thách thức cho Việt Nam.

Dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có nhiều tiềm năng trở thành nơi thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ quốc tế. Sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc. Hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước sẽ, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ có những tác động lớn đến hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng thay đổi, tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường sẽ trở thành xu thế chung của thế giới. Trong khi đó, thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh rất sôi động và còn nhiều dư địa để phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm 2018, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với một số mục tiêu cơ bản như Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á; tỷ trọng bán lẻ theo các hình thức phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%...

Đây sẽ là nền tảng cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đề ra chiến lược phát triển phù hợp gắn với định hướng phát triển của thành phố trong dài hạn trên cơ sở xác định các thế mạnh, cơ hội và thách thức.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong chỉ ra rằng để phát triển nhanh và bền vững, nhà bán lẻ, doanh nghiệp phải tăng cường phủ kính hệ thống phân phối trên toàn quốc, chứ không chỉ dừng lại tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, những nhà bán lẻ đầu ngành của Thành phố Hồ Chí Minh cần duy trì và chủ động phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường quản trị chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ở góc độ hợp tác thương mại địa phương, tính đến nay, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 336 siêu thị tổng hợp/chuyên doanh, gần 2.500 cửa hàng tiện lợi/chuyên doanh tại các tỉnh, thành trên cả nước (không tính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh).

Riêng một số đơn vị lớn như Saigon Co.op đầu tư 84 siêu thị Co.opmart tại 42 tỉnh, thành; LOTTE Mart (11 siêu thị tại 8 tỉnh, thành); BigC (27 siêu thị tại 20 tỉnh, thành); MM Mega Market (17 siêu thị tại 14 tỉnh, thành); Bách hóa xanh (1.093 cửa hàng tiện lợi tại 23 tỉnh, thành); Nguyễn Kim (45 siêu thị chuyên ngành điện máy tại 29 tỉnh, thành)...

Tuy nhiên, năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đi lại, vận tải hàng hóa, giao thương giữa các quốc gia, giữa các địa phương trên cả nước...

Cùng với đó, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, có nguy cơ đứt gãy, nên công tác phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng, kết nối cung cầu, thực hiện bình ổn thị trường giữa các địa phương là giải pháp quan trọng trong thời gian tới đối với Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành.

Do đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đẩy Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vùng miền; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Trên cơ sở trao đổi thông tin hai chiều, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền cùng với cơ chế chính sách đầu tư, phát triển hiệu quả ngành Thương mại.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh gắn kết và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành.

Đồng thời, doanh nghiệp thành phố tham gia phát triển mạng lưới gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và thực hiện bình ổn thị trường tại các địa phương.

Tác giả: Mỹ Phương 

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến