Dòng sự kiện:
Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ giúp tiết kiệm ngân sách
25/09/2019 11:09:16
Ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, tính đến nay, thị trường đã có 10 năm xây dựng và phát triển.

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 10 năm qua, hơn 1,8 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho Ngân sách Nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2018, 31% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2018.

Để huy động được lượng vốn hơn 1,8 triệu tỷ đồng này, đã có 1.872 phiên đấu thầu được tổ chức với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.


Thành công đáng chú nhất sau 10 năm thị trường trái phiếu chính phủ đi vào hoạt động là lãi suất huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi, hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Theo đó, lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại các kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 3,55%/năm trong 2019; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 4,35%/năm trong 2019).

Ngược chiều giảm lãi suất, kỳ hạn của các trái phiếu ngày càng tăng. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công các trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lên tới 30 năm. Nhờ sự đa dạng kỳ hạn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường này và ở góc độ quản lý điều này cũng giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian ngắn và làm tăng hiệu quả cho đầu tư phát triển của toàn xã hội.

Nếu như năm 2009, trái phiếu Chính phủ phát hành chỉ có 4 kỳ hạn 2, 3, 5 và dài nhất là 10 năm trong đó kỳ hạn 5 năm trở lên chỉ chiếm 15% tổng khối lượng phát hành thì đến 2019 đã có thêm các kỳ hạn dài 15 năm, 20 năm và 30 năm, trong đó kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên đã chiếm đến 90% tổng khối lượng phát hành.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu chính phủ không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường trái phiếu chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thanh khoản trái phiếu năm 2019 đạt mức hơn 9 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp gần 24 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 55% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2019.

Trên thị trường sơ cấp, không chỉ có sản phẩm cơ bản là trái phiếu Trả lãi định kỳ, mà còn có các sản phẩm trái phiếu Không trả lãi, trái phiếu có Kỳ trả lãi dài. Trên thị trường thứ cấp, ngoài hai sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm 3 sản phẩm Repos nữa gồm Vay trái phiếu, Bán kết hợp mua lại, Vay để bán được giới thiệu ra thị trường với kỳ vọng thanh khoản của thị trường sẽ ngày càng bứt phá, thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài


Trong những năm qua, song hành với sự phát triển của thị trường, hạ tầng công nghệ phục vụ thị trường như hệ thống đấu thầu, hệ thống giao dịch cũng liên tục được HNX đầu tư, nâng cấp theo hướng bám sát nhu cầu và hỗ trợ tốt cho các hoạt động đa dạng của thị trường trên một nền tảng công nghệ hiện đại. Hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến (E.ABS), hệ thống giao dịch từ xa, hệ thống giao dịch trực tuyến trái phiếu chính phủ (E-BTS) trên nền internet đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và giao dịch ngày càng hiện đại của các thành viên thị trường và nhà đầu tư, giúp họ ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian giao dịch.

Bên cạnh đó, hệ thống chỉ báo thị trường trái phiếu chính phủ cũng được chú trọng phát triển. Khởi đầu với đường cong lợi suất ra mắt tháng 3/2013, tháng 01/2015, bộ chỉ số trái phiếu (Bond indices) với nhiều kỳ hạn khác nhau tiếp tục được đưa vào sử dụng. Đến nay, 2 hệ thống chỉ báo này đều phát huy vai trò tích cực trong việc định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp cho nhà đầu tư và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch trái phiếu trên thị trường.

Hai hãng thông tin quốc tế Bloomberg và Reuters hiện nay đều đã cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve” và “VN Bond Index” cho các nhà đầu tư quốc tế.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thị trường trong 10 năm qua, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong các năm 2013, 2014, 2018, 2019 cho rằng thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á.

Từ kết quả trên có thể khẳng nhận thấy, sau 10 năm triển khai, thị trường trái phiếu chính phủ đang đi đúng hướng, khẳng định vị thế, vai trò của định chế tài chính không thể thiếu của nền kinh tế.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến