Dòng sự kiện:
Phẫu thuật lấy viên sỏi 13mm trong người bệnh nhân viêm túi mật cấp
02/08/2018 11:03:18
Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) vừa cứu thành công 1 bệnh nhân ở huyện Qùy Châu (Nghệ An) có viên sỏi 13mm và 1 viên kẹt cổ túi mật.

Theo đó, vào ngày 10/7, Bệnh viện Quốc tế Vinh tiếp nhận ông L.V.H (SN 1959), trú xã Châu Đình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) trong tình trạng đau nhiều dưới sườn phải, sốt, mắt vàng nhẹ. 

Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện: Ấn đau dưới sườn phải; Dấu hiệu Murphy (+). Thực hiện khám cận lâm sàng: BC 15.000; Neu 84,1%; Bilirubin máu toàn phần 59 Mmol/1, trực tiếp 16,8 Mmol/1; Siêu âm túi mật to, thành dày 4mm. Trong lòng có nhiều sỏi và bùn mật (Viên to nhất d = 13 mm) và có 1 viên kẹt cổ túi mật.

Hình ảnh siêu âm bệnh nhân L.V.H

Người bệnh được chẩn đoán là viêm túi mật cấp do sỏi theo Tokyo Guilines 2013 (TG13): 1 dấu hiệu tại chỗ + 1 dấu hiệu toàn thân + dấu hiệu hình ảnh.

Sau khi được điều trị kháng sinh 2 ngày, bệnh nhân H. được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật. Trong quá trình phẫu thuật, nhận thấy túi mật thành dày có 2 điểm gần hoại tử mặt trước, dịch mật thấm quanh túi mật, mạc nối dính nhiều lên thành bụng; đại tràng và bờm mỡ đến bọc vào túi mật, ekip mổ đã tổ chức quanh ống cổ túi mật và ống mật chủ viêm dày, phù nề tiến hành giải phóng và cắt túi mật.

Hình ảnh túi mật và sỏi túi mật sau khi mổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân H. đỡ đau, đã có thể ăn uống lại bình thường, không còn tình trạng sốt và vàng da. Vết mổ khô và xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Tất cả những trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi điều trị tối ưu là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn là mổ nội soi, trừ một số trường hợp để muộn gây abcess quanh túi mật hoặc viêm túi mật hoại tử gây viêm phúc mạc toàn bộ phải mổ hở.

Được biết, sỏi túi mật là căn bệnh ngày càng phổ biến do chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đặc biệt là có nhiều cholestrol trong khẩu phần ăn. Phụ nữ thường mắc bệnh cao hơn nam giới do vai trò estrogel làm tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật và progesterol làm chậm giải phóng mật khỏi túi mật.

80% trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng, 20% trường hợp còn lại thường biểu hiện bằng các cơn đau dưới sườn phải hoặc thượng vị, có thể một lần hoặc tái phát nhiều lần. Vì vị trí đau, nên nhiều người bệnh chủ quan nghĩ do đau dạ dày và tự ý dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc dạ dày.

Trong khi đó, mỗi lần đau dưới sườn phải do sỏi là một lần viêm túi mật, nếu nhẹ có thể qua đi, nhưng nguy hiểm nhất trong nhiều lần viêm lặp đi lặp lại luôn tiềm ẩn nguy cơ viêm cấp dẫn đến hoại tử túi mật.

BSCKII Lương Từ Hải Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Quốc tế Vinh khuyên cáo: "Để phòng ngừa bệnh sỏi túi mật, mọi người cần thay đổi lối sống sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất. Kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, giảm mỡ, chất béo, tăng lượng rau quả tươi giàu Vitamin B, C để tăng chuyển hóa chất béo và tinh bột. Cùng với đó thực hiện tẩy giun định kỳ để tránh nhiễm trùng và ký sinh trùng đường tiêu hóa".

Ngọc Tuấn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến