Dòng sự kiện:
Phía sau những liều vắc xin dồn dập đến Việt Nam
02/02/2022 11:16:43
Hàng chục triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam là kết quả của quá trình ngoại giao vaccine không biết mệt mỏi, vượt qua những rào cản hết sức khó khăn.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp. TP.HCM gồng mình xử lý các ổ dịch bùng phát, trong khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng nỗ lực ngày đêm ngăn chặn virus lây lan.

Vaccine phòng dịch COVID-19 khi đó đã về Việt Nam nhưng chỉ có vài triệu liều. Chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp vì chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai một chương trình cấp bách đến vậy. Nhưng, ngay từ đầu, Việt Nam đã xác định "ngoại giao vaccine" là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để có vaccine chống dịch COVID-19. Dịch bệnh càng nghiêm trọng thì quyết tâm đưa vaccine về nước càng cao.

Việt Nam không ngần ngại đề cập thẳng thắn vấn đề vaccine với các nước, các đối tác trên khắp thế giới, tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương để tìm kiếm, đưa vaccine nhiều nhất, nhanh nhất về Việt Nam.

Vạn sự khởi đầu nan

“Ngoại giao vaccine” chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh vaccine trở nên quý hơn vàng khi đại dịch hoành hành khắp thế giới. Cơn khát vaccine không phải là chuyện riêng của Việt Nam. COVID-19 đã lây lan tới hơn 200 nước, vùng lãnh thổ, đồng nghĩa Việt Nam có hàng trăm quốc gia cạnh tranh trong nỗ lực có được các liều vaccine quý giá.

Hơn 2 triệu liều Pfizer về đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/12. (Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM)

"Ngoại giao vaccine" trong bối cảnh cấp bách như vậy là điều chưa từng có tiền lệ, nên chúng ta gặp khó trong việc quyết định nên tiếp cận với nước nào, đi qua các kênh nào. Quá trình đàm phán vì vậy phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ, có nhiều lúc, hàng loạt rảo cản khiến ông thấy "nản".

"Có những thời điểm rất thăng hoa, nhưng cũng có những lúc không trôi chảy cho lắm. Có lúc vận động mãi mà nước bạn vẫn chưa đồng ý bán, hoặc thông báo chưa thể bán được do hoàn cảnh khó khăn. Phải nói rằng, đó là những nốt trầm, bổng xen lẫn trong cả quá trình", Đại sứ Châu chia sẻ.

Nhưng Đại sứ Châu khẳng định, ngay từ đầu, ông và các quan chức Đại sứ quán xác định: Phải mang vaccine và thuốc về bằng được. Ngoại giao vaccine là nghĩa vụ của ông, của Đại sứ quán với người dân trong nước.

Đại sứ Châu kể, đôi khi nửa đêm nhận được tin nhắn chỗ này có vaccine, có thuốc, ông cũng vùng dậy “lên đường đi săn".

"Có lần chúng tôi nhận điện từ một nguồn tin ở thành phố Hyderabad - công xưởng thuốc ở Ấn Độ, rằng có đầu mối thuộc một quỹ ở Trung Quốc có thể bán vaccine thông qua trung gian người Hàn. Nhưng rồi cuối cùng vaccine đó là vaccine Sputnik V. Đại sứ quán sau đó phải phối hợp với mấy nơi, cả Trung Đông, cả Hàn Quốc, rồi cả Nga để kiểm tra. Cuối cùng, Nga xác nhận không bán thuốc cho công ty này", ông Phạm Sanh Châu chia sẻ về một lần "đi săn" vaccine thất bại.

Không thể tránh khỏi những thất bại như vậy, bởi đây là cuộc đua dài hơi, không phải chỉ một sớm một chiều.

Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Marie Damour cũng chia sẻ, đằng sau những lô vaccine Washington viện trợ cho Việt Nam là hàng loạt rào cản mà 2 nước cần phải vượt qua.

"Có một số rào cản về pháp lý, quy định cũng như những vấn đề về hậu cần mà chúng tôi phải vượt qua. Nhưng tôi rất vui khi được chia sẻ rằng, chúng tôi đã làm việc với Việt Nam rất nhanh chóng, giải quyết những vấn đề đó để chuyển hàng triệu liều vaccine tới Việt Nam thông qua cơ chế COVAX", bà cho hay.

Không thể dừng lại

Có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ là một trong những mắt xích triển khai "ngoại giao vaccine" thành công nhất. Khi thế giới còn chưa biết nhiều về thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir, Đại sứ quán góp công lớn trong việc đưa 1 triệu liều thuốc này về Việt Nam vào tháng 8/2021. Một tháng trước đó, Đại sứ quán kiến nghị xem xét mua Molnupiravir - một loại thuốc điều trị COVID-19 mà Anh là quốc gia đầu tiên công nhận.

Các cuộc đàm phán của Đại sứ quán cũng góp phần không nhỏ dẫn tới quyết định của Ấn Độ: điều tàu chiến vận chuyển 300 máy tạo oxy và 100 tấn oxy y tế lỏng cho Việt Nam hồi cuối tháng 8/2021 – thời điểm TP.HCM đang ở đỉnh dịch. Ngoại giao tại nước ngoài rất thành công, các cuộc đàm phán từ trong nước cũng đem lại "quả ngọt".

Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cộng sự làm việc với lãnh đạo Công ty dược phẩm Ấn Độ Dr. Reddy. (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

Liên tiếp từ tháng 7, các liều vaccine được Mỹ viện trợ đều đặn cập bến Việt Nam. Cuối tháng 8, trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Harris tặng Việt Nam 1 triệu liều vaccine Pfizer. Tính tới hiện tại, số vaccine mà Việt Nam nhận từ quốc gia cam kết trở thành kho vaccine của thế giới đã lên tới 15 triệu liều.

Theo thông tin từ website chính thức của Nhà Trắng, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước được Mỹ viện trợ vaccine nhiều nhất.

Cùng với việc viện trợ vaccine, Mỹ gửi tặng Việt Nam 77 tủ đông âm sâu vốn rất cần thiết cho việc vận chuyển và bảo quản an toàn cho đến khi vaccine sẵn sàng được sử dụng. Nước bạn cũng hỗ trợ gần 30 triệu USD cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam, đồng thời cung cấp máy giải trình tự DNA xác định các biến thể COVID-19 và hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo các nhân viên y tế tuyến đầu.

Không chỉ có Mỹ và Ấn Độ, Việt Nam cũng tiếp cận với nhiều đối tác khác như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc… để đàm phán về vaccine. Tất cả đều diễn ra rất hiệu quả.

Nhật Bản tới nay viện trợ cho Việt Nam khoảng 3,58 triệu liều. Australia cam kết chia sẻ 1,5 triệu liều vaccine nước này sản xuất cho Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc hỗ trợ song phương về vaccine, cũng là quốc gia Châu Á-TBD đầu tiên được Đức viện trợ vaccine.

Hàng loạt quốc gia khác như Italia, Ba Lan, Pháp cũng gửi tặng hàng triệu liều vaccine giúp Việt Nam chống dịch.

Tiến về phía trước

Nhờ chiến dịch “ngoại giao vaccine” hiệu quả, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia nhận nhiều vaccine hỗ trợ nhất từ các nước.

Lễ tiếp nhận vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 về Việt Nam theo chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trở về từ Cuba.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, có 2 lý do để giải thích điều này.

Thứ nhất, khi dịch bệnh xảy ra, Việt Nam luôn tìm mọi cách để hỗ trợ các nước đối phó dịch bệnh. Từ đầu dịch, chúng ta hỗ trợ tiền, trang thiết bị y tế, san sẻ khó khăn chống dịch với các nước, bất chấp thực tế khó khăn của chính Việt Nam.

"Khi Mỹ cần giúp đỡ, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã gửi tặng vật tư y tế giúp cứu sống người dân Mỹ. Chúng tôi không quên điều đó. Vì vậy, khi Mỹ có thể giúp đỡ Việt Nam, chúng tôi rất sẵn lòng. Quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam đồng nghĩa chúng tôi cần hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19. Khi tất cả chúng ta hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ cùng vượt qua dịch bệnh", Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Marie Damour chia sẻ.

Thứ hai, Việt Nam đã làm tốt công tác tiêm chủng.

Như bà Damour khẳng định, do việc phân phối rất hiệu quả số vaccine mà Mỹ trao tặng, sẽ có thêm những liều vaccine nữa được Mỹ gửi tới Việt Nam.

“Phái bộ Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM sẽ tiếp tục vận động để gửi thêm vaccine về Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam đang phân phối vaccine mà chúng tôi gửi tặng rất hiệu quả, và bản thân người Việt Nam cũng rất mong muốn được tiêm vaccine”, Đại biện Mỹ nói.

Có thể nói, ngoại giao vaccine là mốc son, là điểm sáng của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện nay, thể hiện thành tựu của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Trong một thời gian ngắn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao nhất đến những người tham gia trực tiếp là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, “ngoại giao vaccine” đã mang về cho Việt Nam hơn 50 triệu liều và dự kiến hàng chục triệu liều vaccine nữa sẽ được các nước tiếp tục chuyển đến Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Công ty Pfizer. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến cuối năm 2021 dự kiến sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam.

Đây là thành quả của những nỗ lực ngoại giao vaccine không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống “giặc COVID-19” trong thời gian tới.

Nhưng, ngoại giao vaccine của Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở mục tiêu tiêm chủng cho dân để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, ông và các quan chức Đại sứ quán đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một công viên chuyên sản xuất biệt dược ở Việt Nam.

"Điều này cho thấy khó khăn có thể tạo ra cơ hội. Còn cơ hội nằm ở chỗ mình có thể triển khai được điều đó hay không. Giấc mơ của tôi và các anh em trong Đại sứ quán là Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ dược thế giới, đứng thứ 2 sau Ấn Độ khi ta có một khu biệt dược sản xuất vaccine, thuốc chữa các bệnh, trong đó có COVID-19", ông chia sẻ.

Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, Đại sứ tin rằng, trong tương lai, khi có bệnh dịch nào đó xảy ra, Việt Nam sẽ luôn trong tâm thế chủ động đối phó.

Nhưng, đó là câu chuyện của tương lai. Hiện tại, vận động được vaccine vẫn là khâu đầu tiên mang tính quyết định trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cũng là yếu tố sống còn trong mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra cho các cấp, các bộ ban ngành: Đưa Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới.

Tác giả: Song Hy - Trần Trang

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến