Xi măng Việt Nam thoát thuế chống bán phá giá tại Philippines.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Ủy ban Thuế quan Philippines (TC) mới đây đã quyết định không gia hạn biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng Type 1 (mã AHTN 2523.29.90) và xi măng Type 1P (mã AHTN 2523.90.00).
Ủy ban Thuế quan Philippines kết luận trong thời kỳ rà soát, xi măng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, không gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng của nước này.
Cụ thể, mức thuế tự vệ 2,7 - 32% đối với xi măng nhập khẩu vào Philippines hết hạn vào 22/10/2022. Trong vòng 5 năm tới, các sản phẩm xi măng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị áp thuế tự vệ tại nước này.
Trước đó, lượng xi măng Việt Nam nhập khẩu vào Philippines quá lớn, gây thiệt hại cho sản xuất nội địa, nước này đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với xi măng Việt Nam.
Nước này cho rằng, sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng tại Philippines, thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận, cũng như giá bán của xi măng nội địa.
Hiện, Trung Quốc và Philippines vẫn là 2 thị trường xuất khẩu chính của xi măng, clinker của Việt Nam. Tuy nhiên, tại cả 2 thị trường này, mức nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam đều sụt giảm trong năm 2022.
Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid" cùng đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm khiến sản lượng tiêu thụ xi măng cũng giảm mạnh trong thời gian qua.
Đối với thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao, cộng với tác động từ biện pháp phòng vệ thương mại mà nước này áp dụng với xi măng nhập từ Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng qua, sản lượng xuất khẩu toàn ngành đạt gần 26 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm lần lượt 30% về lượng và 19,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Cung cầu xi măng trong nước vẫn đang mất cân đối nghiêm trọng. Nguồn cung dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 45 triệu tấn, do đó xuất khẩu vẫn là kênh tiêu thụ quan trọng, dù giá xuất khẩu đi nhiều thị trường còn thấp. Cầu tại nội địa những năm gần đây chỉ dưới 65 triệu tấn, năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch thậm chí chỉ đạt 62,7 triệu tấn.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, xuất khẩu xi măng và clinker vẫn là cứu cánh cho sản xuất xi măng của Việt Nam để duy trì sản xuất. Đơn cử, trong năm ngoái, sản lượng xi măng xuất khẩu đạt 16,8 triệu tấn (tăng 13,51% so với năm 2020) và clinker đạt 28,9 tấn (tăng 24,49% so với năm 2020); tổng lượng xuất khẩu đạt 45,7 triệu tấn.
Với việc Philippines không áp dụng biện pháp tự vệ với xi măng nhập từ Việt Nam sẽ tạo thêm cơ hội để các nhà sản xuất xi măng trong nước tăng xuất khẩu trở lại vào thị trường này.
Tác giả: Hải Yến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy