Dòng sự kiện:
Phó Chủ tịch Quốc hội: Nên coi nước thải cũng là tài nguyên
06/06/2023 06:39:53
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhiều nước trên thế giới coi nước thải là tài nguyên, tái sử dụng, chúng ta cũng nên nghiên cứu đưa việc này vào Luật.

Tại buổi thảo luận ở tổ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 5/6, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo mới chỉ đề cập đến nước mặt, nước ngầm, nước mưa, nước biển.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới coi nước thải cũng là tài nguyên, có thể xử lý để tái sử dụng, ở Việt Nam rất ít đơn vị tái sử dụng nước thải. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, xem xét đưa việc này vào Luật tới đây, làm căn cứ cho phát triển lâu dài.  

Ông Định phân tích, Việt Nam có tài nguyên nước phong phú nhưng phân bổ không đều giữa các vùng, địa hình và từng tháng trong năm. Mùa mưa quá nhiều nước nhưng mùa khô lại hạn hán. Dù nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng chủ yếu các con sông lớn bắt nguồn từ nước láng giềng Trung Quốc, Lào... Nguồn sinh thủy rừng đang ngày càng cạn kiệt.

"Nước là hàng hóa, là ngành kinh tế thu lãi lớn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu vấn đề này", ông Định nói và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và xem xét vấn đề trên.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhận định, việc sử dụng nước thời gian qua ở nước ta còn lãng phí.

"Nếu tái chế được nước thải sẽ giảm ô nhiễm, góp phần phục hồi nhiều dòng sông. Hiện nhiều dự án áp dụng công nghệ đã sử dụng nước tuần hoàn, hầu như không xả nước thải. Chúng ta cần có hệ thống như vậy", ông Khánh nêu và cho biết, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này được xây dựng trên quan điểm đây là loại tài sản quý giá cần bảo vệ, có điều tiết hợp lý, phân bố hiệu quả.

"Việt Nam không phải quốc gia thừa nước mà bị lệ thuộc về nguồn nước", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin tại buổi thảo luận tổ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần đưa vấn đề quản lý nguồn nước trở thành công tác quản trị quốc gia, bởi nó tác động sâu rộng đến tất cả ngành nghề, nhất là nông nghiệp. Tài nguyên nước cần được nhìn nhận ở nhiều góc cạnh từ an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có tỷ lệ nước ngọt khan hiếm hơn Việt Nam nên từ sớm họ đã ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt hoặc tái sử dụng nước thải. Vị Bộ trưởng này dẫn chứ, một giọt nước tại Israel được sử dụng ba lần nhờ khả năng tái tạo nước thải, trong đó có nước thải sinh hoạt.

Do đó, ông Hoan đề nghị, dự Luật lần này cần nhấn mạnh đến các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ tài nguyên nước bởi kỷ nguyên này là kỷ nguyên khô hạn và biến đổi khí hậu. Công nghệ xử lý nước thải, lọc nước biển phải được chú trọng để chủ động tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho con người.

Tác giả: Hà Cường

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến