Dòng sự kiện:
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Vốn không thiếu, cho vay thoải mái
21/06/2023 14:45:35
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay, thanh khoản của nền kinh tế dồi dào, vốn cho nền kinh tế đang không thiếu.

Cùng với đó, cũng theo ông Tú, hiện nay khả năng cho vay của ngân hàng thương mại đang… thoải mái.

Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Thanh khoản đang dồi dào

Tại cuộc họp báo thông tin về kết qủa hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với vấn đề lãi suất đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các Ngân hàng Thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

“Hiện nay, thanh khoản của nền kinh tế dồi dào, vốn cho nền kinh tế đang không thiếu. Cùng với đó hiện nay khả năng cho vay của ngân hàng thương mại đang… thoải mái, dồi dào”, ông Tú nhấn mạnh.

Về vấn đề điều hành tín dụng, ông Tú cho biết NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Tú nói.

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, ông Tú cho biết hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn đang dành nguồn lực từ chính tổ chức này để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

“Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát”, ông Tú nói.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm chi phí

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động Ngân hàng trong thời gian tới, ông Tú cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

“Cùng với đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”, ông Tú nói.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến