Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại rất tích cực thực hiện giảm mạnh lãi suất đưa mặt bằng lãi suất về mức khá thấp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn, không để thiếu vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tạm trữ lúa gạo.”
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khi chia sẻ với báo chí về các giải pháp đẩy mạnh mạnh tín dụng ra nền kinh tế.
- Xin Phó Thống đốc cho biết các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã triển khai để đẩy mạnh tín dụng từ đầu năm đến nay?
Ông Đào Minh Tú: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất nhiều biện pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, từ đó vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách như thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm tín dụng thuận lợi hơn kể cả trên phương diện sử dụng công nghệ để giảm bớt các thủ tục cho vay như cho vay online, cung cấp sản phẩm mà người vay ngồi tại nhà có thể vay và trả nợ được… Hay chính sách có thể vay ở ngân hàng này có lãi suất thấp để trả cho các ngân hàng khác…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn mà người vay do khó khăn chưa thể trả được. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước triển khai một số gói tín dụng như 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; gói 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy hải sản…
Bên cạnh cơ chế chính sách thông thoáng hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tiếp cận tín dụng bằng việc thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp - hiệp hội doanh nghiệp để cùng ngồi với nhau tìm ra những khó khăn để cùng chia sẻ, giải quyết tận gốc những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những dự án lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực có tính chất lan tỏa, chi phối cho hoạt động chung, lĩnh vực ưu tiên của chính phủ như xuất khẩu, công nghệ cao…
Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại rất tích cực thực hiện giảm mạnh lãi suất đưa mặt bằng lãi suất về mức khá thấp. Theo tìm hiểu thực tế, có lĩnh vực mức lãi suất ngân hàng cho vay còn thấp hơn thời điểm dịch bệnh. Rõ ràng đây là việc hết sức thuận lợi, điều kiện tích cực cho các doanh nghiệp giảm giá thành, giá đầu vào nguyên vật liệu...
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ không để doanh nghiệp thiếu vốn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên cạnh đó, việc giảm thủ tục hành chính, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tiếp tục được đặt ra cho công tác chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại. Bản thân ngân hàng thương mại cũng nhận ra rằng lúc khó khăn như thế này thì ngân hàng và doanh nghiệp phải dựa vào nhau, cộng sinh với nhau.
- Trong thời gian tới, ngành ngân hàng có giải pháp gì để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực?
Ông Đào Minh Tú: Ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tạm trữ lúa gạo và các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn bằng tiền đồng cũng như ngoại tệ, giải quyết những khó khăn về tình trạng tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
Bên cạnh thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất, giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất thấp hơn.
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ chủ động hạ lãi suất mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh giữ chân các khách hàng tốt, đảm bảo chiếm lĩnh thị trường vì tăng tín dụng đến thời điểm này vẫn ở mức thấp. Tinh thần chung là tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất rất tích cực.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cùng chính quyền địa phương, hiệp hội các doanh nghiệp, tập đoàn tìm cách tháo gỡ khó khăn về lãi suất, thủ tục, sự linh hoạt của các ngân hàng thương mại đối với cho vay, nhất là cho vay có tính chất thời vụ gắn với nông nghiệp nông thôn.
- Ngân hàng Nhà nước có cơ chế gì giúp khách hàng vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, khi tài sản đảm bảo đang thế chấp ở ngân hàng khác?
Ông Đào Minh Tú: Cơ chế mới tạo điều kiện cho khách hàng có thể lựa chọn vay vốn của ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn. Mặt khác, cơ chế này cũng khiến các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau nhiều hơn, giúp hạ lãi suất tích cực hơn.
Sản xuất gạo tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+)
Đối với việc vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, đây không phải là cơ chế chính sách mà là vấn đề kỹ thuật trong quá trình thực hiện điều hành của từng tổ chức tín dụng. Đây là một hình thức mới tạo điều cho các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng cho vay lãi suất thấp.
Chính sách này mới được triển khai nên trong quá trình thực hiện có thể chưa được nhuần nhuyễn ngay từ đầu, tôi hy vọng dần dần các ngân hàng sẽ điều chỉnh và tạo ra sự thuận lợi.
- Hiện tại, doanh nghiệp đang chia sẻ lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm chậm hơn so với lãi suất ngắn hạn. Theo Phó Thống đốc, xu hướng giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn có diễn ra trong thời gian tới để doanh nghiệp có thể đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất kinh doanh?
Ông Đào Minh Tú: Lãi suất ngắn hạn giảm nhanh bởi lẽ vốn ngắn hạn có thể thay đổi lãi suất thường xuyên nên dẫn đến quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn nhanh hơn.
Còn đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn, vì phần huy động vốn của người gửi tiền 1-2 năm thì phần trả lãi tiền gửi cũng thời gian đó mới thực hiện được nên việc cho vay trung, dài hạn cũng cần tương ứng. Tuy nhiên, theo xu hướng lãi suất ngắn hạn đã giảm thì không có lý gì lãi suất trung, dài hạn kéo dài hoặc ở mức cao mãi. Chính vì thế, chúng tôi tin rằng lãi suất trung, dài hạn cũng có xu hướng hạ hơn trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy