Dòng sự kiện:
Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia đi tìm động lực phát triển kinh tế bền vững
15/11/2017 10:10:45
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng nhiều chuyên gia sẽ có buổi Hội thảo bàn về sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Tin tức báo Chính phủ đăng tải, hôm nay ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ cùng ngồi với giới chuyên gia trong nước và quốc tế để xác định rõ hơn các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới. Đây được xem là vấn đề nóng ở Quốc hội, nhiều đại biểu sẽ lên kế hoạch đem vấn đề này chất vấn Chính phủ.

Khẳng định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là thực chất

Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam (KHXH), buổi Hội thảo sẽ có 4 báo cáo nhìn nhận cả quá trình phát triển từ năm 2011 tới nay và hướng tới năm 2020, gồm: Báo cáo tổng quan của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Báo cáo kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), một báo cáo của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và báo cáo về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

“Thông điệp mà chúng tôi rất muốn truyền tải khi được Chính phủ giao tổ chức Hội thảo là khẳng định một cách khách quan nhất về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là thực chất cũng như Chính phủ đã rất nỗ lực trong tạo lập môi trường kinh doanh” – ông Thuấn cho biết.

TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một diễn giả của buổi Hội thảo nhìn nhận: Các luận cứ phải giải trình được về tăng trưởng quý III/2017 với mức tăng đột biến, gấp 1,5 lần so với các quý trước, để cho thấy “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá”.

“Vậy động lực tăng trưởng ở đâu ra khi mà giải ngân đầu tư công kém, khai khoáng- một trong những lĩnh vực chủ lực cho tăng trưởng GDP thì tăng trưởng âm, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lắm chuyện lình xình…”, ông Thiên đặt ra vấn đề, đồng thời cho rằng nhìn nhận các động lực tăng trưởng phải nhìn cả một quá trình chứ không thể nhìn trong các lát cắt ngắn hạn để thấy được tính hợp lý của tăng trưởng kinh tế.

Vẫn theo chuyên gia kinh tế này, chỉ dấu của chất lượng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu đã xuất hiện sau nhiều năm Chính phủ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Đầu tư công chưa đóng góp được nhiều cho tăng trưởng trong năm nay, nền kinh tế đã đón nhận những hiệu ứng từ khối tư nhân với hàng loạt dự án xây dựng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước”, ông Thiên nói.

Ngoài ra, bằng quan sát của mình, ông Trần Đình Thiên cũng nhận định: “Bản thân các tuyên bố Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính cũng tạo cảm hứng cho xã hội rồi, nó lan toả sang các lĩnh vực, ngành khác và phải duy trì sự lan toả, thực thi thực chất trong 3 năm sau của nhiệm kỳ này, tức là ta phải tái cơ cấu nghiêm chỉnh thì đất nước sẽ khác”.

Nên nhìn vào những điểm hạn chế của nền kinh tế Việt Nam

Đánh giá về tầm quan trọng của buổi hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Một Hội thảo về tăng trưởng kinh tế được chủ trì bởi một trong những thành viên cao cấp nhất của Chính phủ là một điều rất cần thiết trong lúc này”.

Ông Hiếu lý giải, 20 năm qua, Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, có thể kể đến chất lượng tăng trưởng, vấn đề môi trường hay chất lượng lao động.

Trong bối cảnh hiện tại, tăng trưởng kinh tế không chỉ là một vấn đề mang tính quốc gia với mức độ giản đơn như 20 năm trước, mà còn liên quan đến tình hình kinh tế thế giới.

Vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Hội thảo được tổ chức rất đúng lúc khi Việt Nam vừa tổ chức thành công sự kiện APEC, nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN đang diễn ra ở Philippines và trong những ngày tới có những hội nghị cấp cao khác trong khu vực. “Việc cùng ngồi lại, trao đổi, nhìn nhận về vấn đề tăng trưởng một cách thực chất trong thời điểm này là rất phù hợp”.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh việc xem xét những thành quả đạt được, ông “không chỉ kỳ vọng mà còn đòi hỏi trong buổi Hội thảo này sẽ có những ý kiến, phân tích và trao đổi thực chất, sâu xa, đặc biệt về những vấn đề còn hạn chế, thậm chí mang tính tiêu cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay”.

Bởi lẽ nếu chỉ nhìn vào những điểm tích cực mà không thẳng thắn “đối mặt” với những hạn chế thì cuối cùng những vấn đề đó sẽ tác động ngược lại và xóa sổ những thành quả tăng trưởng trong chốc lát.

Xuân Tùng (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến