Một số cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp, Hà Nội bị phong tỏa do có liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Sáng 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
"Tới đây, Hà Nội phải rất cảnh giác vì thực tế trên cả nước dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng. Ngày 2/11, cả nước có trên 5.000 ca mắc COVID-19 được phát hiện qua giám sát thông thường, không loại trừ khả năng nếu tập trung xét nghiệm ở một số khu vực, số ca phát hiện còn nhiều hơn. Thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, vì thế vẫn phải sẵn sàng tính đến trường hợp xấu hơn," sau khi nghe lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đối với kịch bản điều trị cho 40.000 ca mắc COVID-19 được lãnh đạo Hà Nội đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thành phố cần tính kỹ con số này vì liên quan đến công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị.
Các giải pháp, trong đó có giải pháp tuyên truyền, vận động phải thống nhất, tránh từ cực nọ chạy sang cực kia, từ chặt quá, sau đó lại lỏng quá, khi có dịch lại quay lại chặt… Đặc biệt, nguyên tắc từ ngày đầu chống dịch là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm” đến nay vẫn không thay đổi.
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội phải lên các kịch bản chống dịch vừa phải chặt nhưng đồng thời tập dượt cách ly F1, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà để thành quy trình có thể ứng phó khi dịch lan rộng.
Về vấn đề vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Hà Nội là địa phương được ưu tiên tập trung nguồn vaccine sớm. Đối với học sinh, thành phố tập trung vaccine cho khu vực "nguy cơ cao," kể cả khu vực liền kề Hà Nội.
Thành phố cũng cần chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác trong việc tiêm chủng cho người dân nhằm sớm hoàn thành bao phủ vaccine phòng COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét các yếu tố đánh giá cấp độ dịch đối với địa phương đông dân cư như Hà Nội; đưa ra phác đồ điều trị làm cơ sở cho các Sở Y tế địa phương chuẩn bị vật tư, thuốc men…
Đối với vấn đề đi học trở lại của học sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội căn cứ nhu cầu thực tế của người dân để mở dần việc cho học sinh đi học trở lại, kể cả các lớp mầm non.
Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh khi đã sẵn sàng chấp nhận có dịch COVID-19 thì hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, nhất là hệ thống trường học, cơ sở y tế phải nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch lên một bước so với trước đây.
Người dân khôi phục sản xuất tại Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với thời gian thực hiện "bình thường mới" từ ngày 21/9-10/10 (21 ca so với 5-7 ca giai đoạn trước đó), liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người.
Đặc biệt, từ ngày 28/10-1/11, số ca F0 tăng cao, từ 33-57ca/ngày. Như vậy, dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp tiếp tục là nguy cơ hiện hữu, gia tăng, kết hợp với việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần thích ứng, linh hoạt.
Dự báo, trong thời gian tới thành phố tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lý chặt chẽ, có biện pháp hành chính phù hợp kèm theo.
Thành phố hiện còn 6 chùm ca mắc COVID-19 mới phát sinh, trong đó có hai chùm ca bệnh tại Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và tại thôn Bạch Trữ (huyện Mê Linh) đều liên quan đến việc tụ tập đông người (đám ma, đám cưới... ).
Các ca bệnh phần lớn mang tính chất gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc. Ngoài ra, đa phần các mắc đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và hầu hết đều không có triệu chứng.
Thành phố đã tiêm 9.664.917 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có 6.040.615 mũi 1, đạt 92,3 % dân số trên 18 tuổi và đạt 69.4% tổng dân số của thành phố, có 3.624.302 mũi 2, đạt 55,4 % dân số trên 18 tuổi và 41,6 % tổng dân số. Số người trên 50 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 79,01 % và số người tiêm mũi 2 đạt 45,9 %.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/11/2021-20/1/2022, Hà Nội sẽ hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả người từ 50 tuổi trở lên.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục tổ chức tiêm vaccine khi được phân bổ cho lực lượng tuyến đầu, giáo viên, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng shipper, vận chuyển, người làm việc tại khu vực nguy cơ lây nhiễm cao (trung tâm thương mại, siêu thị). Thành phố đã sẵn sàng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ theo chỉ định của Bộ Y tế nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong công tác phòng, dịch COVID-19, thành phố luôn xác định phải chủ động cao hơn một mức so với thực tiễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô. Tuy nhiên, nguy cơ dịch vẫn còn rất cao, có khu vực dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng...
Hà Nội đã chuẩn bị mức độ cao nhất các điều kiện phục vụ điều trị, cách ly, với quan điểm xuyên suốt là F1 cách ly tập trung, F0 điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, thành phố tăng cường cho cơ sở y tế về mọi mặt, tiếp tục củng cố, nâng cao về nhân lực, trang thiết bị cho cơ sở y tế hạng 1.
Đối với việc cho trẻ em đi học trở lại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố cân nhắc cẩn thận, đánh giá trên cơ sở tình hình dịch bệnh thực tế để cho học sinh đi học trở lại nhưng yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Tiếp thu ý kiến gợi ý của Phó Thủ tướng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố sẽ xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 cao hơn so với kịch bản hiện nay, đồng thời tính đến các phương án quản lý F1, F0 với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của thành phố.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy