Dòng sự kiện:
Phố Wall tăng hơn 1% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023
07/01/2023 20:27:18
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 700,53 điểm, tương đương 2,1% và đóng cửa ở mức 33.630,61, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 86,98 điểm (2,3%) lên 3.895,08 điểm...

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 6/1 với mức tăng khá mạnh, giúp các chỉ số đều tiến hơn 1% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy tốc độ tăng lương đã chậm lại trong tháng 12/2022.

Báo cáo đã hỗ trợ hy vọng rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang bắt đầu có tác động mong muốn đối với nền kinh tế.

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 700,53 điểm, tương đương 2,1% và đóng cửa ở mức 33.630,61. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 86,98 điểm (2,3%) lên 3.895,08 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 264,05 điểm (2,6%) và kết thúc phiên ở mức 10.569,29 điểm.

Nhiều nhà đầu tư đã phản ứng tích cực với báo cáo việc làm hôm thứ Sáu của Mỹ, trong đó cho thấy tăng trưởng tiền lương đã hạ nhiệt vào tháng 12/2022. Đây có thể coi là một dấu hiệu rằng áp lực lạm phát giảm bớt.

Báo cáo mới nhất công bố ngày 6/1 của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết nước này đã tạo ra 223.000 việc làm trong tháng 12/2022. Tỷ lệ thất nghiệp cùng giai đoạn cũng giảm xuống 3,5%. Con số này cao hơn kỳ vọng thị trường là 200.000 vị trí mới, mặc dù tốc độ tạo việc làm đã chậm lại so với mức 256.000 trong tháng 11/2022.

Đáng chú ý, tiền lương của lao động Mỹ tăng 0,3% trong tháng 12, thấp hơn một chút so với dự kiến và giảm so với mức 0,4% của một tháng trước đó.

Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư của công ty dịch vụ tài chính Crossmark Global Investments nhận định chứng khoán tăng mạnh trong phiên 6/1 cho thấy tâm lý thị trường đã nhẹ nhàng hơn sau bản báo cáo, ngay cả khi cuộc chiến chống lạm phát cao của Fed vẫn chưa kết thúc.

Theo ông Doll, thách thức lớn nhất của Fed trong nỗ lực giảm tỷ lệ lạm phát là tiền lương. Ông cũng lưu ý rằng thị trường lao động Mỹ cho tới hiện tại vẫn cho thấy sức bền đáng kể.

Ông Brad Conger, một quản lý cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Hirtle, Callaghan & Co. đánh giá báo cáo việc làm mới nhất sẽ không thúc đẩy Fed từ bỏ chương trình nghị sự của họ.

Nhiều quan chức của Fed đã nói rõ rằng họ muốn thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên để giúp đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Trong một báo cáo hồi tháng 12/2022, các quan chức cấp cao của Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng gần 1 điểm phần trăm vào năm 2023.

Trong tuần giao dịch ngắn ngày đầu năm mới 2023, nỗi lo về chính sách lãi suất của Fed là yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 vào ngày 3/1, chứng khoán Mỹ đi ngược lại xu hướng phục hồi của thế giới khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn là vấn đề hàng đầu của các nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones đóng cửa đi ngang ở mức 33.136,37 điểm. S&P 500 mất 0,4% xuống 3.824,14 điểm, trong khi Nasdaq Composite để mất tới 0,8% và khép phiên ở mức 10.386,98 điểm.

Sang phiên ngày 4/1, chứng khoán Phố Wall đóng cửa cao hơn, khi thị trường bỏ qua thông điệp từ cuộc họp gần đây nhất của Fed. Theo biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, không có quan chức nào đánh giá việc bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất trong năm 2023 là phù hợp, đồng thời cho biết thêm rằng cần duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi xu hướng lạm phát giảm một cách bền vững trở nên rõ ràng.

Thông tin trên đã không thể ngăn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 0,4% và đóng cửa ở mức 33.269,77 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 10.458,76 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 3.852,97 điểm.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm hơn 1% trong phiên 5/1, sau khi báo cáo việc làm tư nhân mới nhất do công ty quản lý nguồn nhân lực ADP tổng hợp đã làm xói mòn hy vọng Fed có thể sớm tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất hiện thời. Kết thúc phiên này, Dow Jones giảm 339,69 điểm (1,02%) xuống 32.930,08 điểm. S&P 500 giảm 44,87 điểm (1,16%) xuống 3.808,1 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 153,52 điểm (1,47%) xuống 10.305,24 điểm.

Với mức tăng trong phiên cuối tuần 6/1, chỉ số Dow Jones tăng 1,5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 1%. Đáng chú ý, S&P 500 và Nasdaq đều dứt chuỗi giảm điểm kéo dài 4 tuần.

Giới chức Fed đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương này vẫn tiếp tục.Trong bài phát biểu tại một hội thảo ở New Orleans, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic cho biết Fed vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Bostic muốn Fed tăng lãi suất cơ bản lên trên ngưỡng 5%, nhưng “không vượt quá nhiều.”

Điều đó hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của thị trường về lãi suất chính sách của Fed, vốn đang nằm trong khoảng 4,25-4,50%. Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh trong khoảng 4,75-5,00% và sau đó Fed sẽ bắt đầu giảm chi phí vay trong nửa cuối năm nay.

Ông Eugenio Aleman, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Raymond James dự đoán kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái “nhẹ” trong quý 2/2023. Khi đó, Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất sau khi đã tăng thêm hai lần 25 điểm cơ bản tại hai cuộc họp sắp tới./.

Tác giả: H.Thủy

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến