Dòng sự kiện:
Phóng viên Úc ấn tượng trước cà phê vỉa hè Hàng Buồm
09/03/2015 14:00:38
ANTT.VN - Cà phê Việt Nam có gì đặc sắc mà khiến thế giới phải say mê? Phóng viên Ronan O'Connell của trang báo Úc The West Australia sẽ lý giải điều đó trong bài viết cảm nhận của mình.

Phóng viên Ronan O'Connell của tờ Miền Tây nước Úc (The West Australia) đã phát hiện ra Việt Nam với niềm say mê đồ uống đặc biệt: cà phê.

Bà Kim Lai - chủ thương hiệu cà phê Kim Lai ở Hà Nội

Nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới

Khu phố cổ của Hà Nội có cách đặc biệt để đánh thức mọi giác quan của bạn.

Đôi tai của bạn tràn ngập tiếng gầm rú của những chiếc xe máy ngoài đường phố.

Mũi của bạn bị quyến rũ bởi mùi hương của cá chiên, bánh mì tươi nướng, thịt lợn nướng cay và bún phở trên vỉa hè.

Đi bộ qua những con ngõ nhỏ hẹp và đường phố đông đúc, một cảm giác chợt ùa đến khiến mọi giác quan của tôi bị lu mờ đó là mùi cà phê toát ra từ  những cửa hiệu trên phố Hàng Buồm, hương thơm tỏa ra mạnh mẽ như một lời mời chào.

Tại Hà Nội, các cửa hàng bán cùng một sản phẩm thường xuyên tập hợp tại cùng một khu phố với nhau: ví dụ như phố Hàng Quạt, phố Gia Ngư và phố Hàng Giầy. Trong số đó, phố Hàng Buồm được coi là trung tâm phân phối cà phê ở Hà Nội. Trên một con phố nhỏ có thể thấy một loạt các cửa hàng được trang trí bởi những hộp đựng hạt cà phê đủ loại phía bên ngoài.

Người Việt Nam có đam mê uống cà phê và văn hóa họ xây dựng quanh hạt cà phê đều nổi tiếng. Từ Thành Phố Hồ Chí Minh trong miền nam, đến Hội An ở miền trung và Hà Nội ở phía Bắc, các quán cà phê ngập tràn trên đường phố. Hình ảnh một ông già trên chiếc ghế mây tre đan, nhấm nháp tách cà phê đã trở thành biểu tượng của Việt Nam.

Sách và các website về du lịch Việt Nam đều gợi ý việc thưởng thức cà phê Việt Nam là một trải nghiệm không thể thiếu khi đến đây. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa được nhắc đến với thương hiệu cà phê như là một biểu tượng của quốc gia giống như những nhà xuất khẩu cà phê cao cấp như Brazil, Costa Rica hay Colombia.

Các hạt cà phê được thu hoạch ở những quốc gia Trung và Nam Mỹ trên đều góp mặt tại các quán café sành điệu trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil nhưng mới chỉ sản xuất được cà phê hòa tan giá rẻ.

Trong năm 2013, số liệu chính thức cho thấy Việt Nam sản xuất khoảng 27,5 triệu “đơn vị” cà phê. Với mỗi đơn vị tương đương một túi cà phê 60kg, điều này đồng nghĩa với 1,65 triệu tấn cà phê được sản xuất mỗi năm tại đây.

Con số này vượt xa sản lượng cà phê hàng năm của Costa Rica, Colombia và E-ti-ô-pi-a - được biết đến như cái nôi của cà phê. Cà phê cũng trở thành mặt hàng mũi nhọn của thương mại Việt khi tỉ lệ xuất khẩu vượt qua cả gạo, đóng góp hơn 3 tỉ USD cho nền kinh tế vào năm 2013.

Hoạt động kinh doanh cà phê của những tiểu thương trên phố Hàng Buồm có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, mặc dù một số trong số họ mơ ước trở thành những người chơi lớn của thị trường cà phê quốc tế.

 

Một nhân vật biểu trưng

Trong số những nhân vật đó có bà Nguyễn Kim Lai, một trong những nhà phân phố cà phê nổi tiếng nhất Hà Nội. Thương hiệu Kim Lai Café mở cửa năm 1972 khi thương mại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn trứng nước. Trong một thời gian dài, công việc kinh doanh sáng lập bởi bố chồng bà – và sau này do bà tiếp quản đã vươn tầm ra khỏi ngôi nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ của khu phố cổ Hà Nội.

Khi chiến tranh Việt Nam nổ ra, nền kinh tế của nước này đã bị tàn phá trước đó, vào giữa những năm 1980, Chính phủ đã quyết định theo đuổi ngành công nghiệp cà phê như nguồn thu chủ yếu của quốc gia.

Trong thời gian này, cha chồng của bà Kim Lai đã “rửa tay gác kiếm” để bà tiếp quản cơ ngơi. Cảm thấy có  nhiều cơ hội đang chờ đợi, bà đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, mở thêm nhiều cơ sở lớn hơn trên phố Hàng Buồm vào năm 1986.

Ngày nay,  công ty của bà Kim Lai đã xuất khẩu cà phê trên phạm vi toàn cầu. Bà Kim Lai biết nhiều khách hàng xuất khẩu chỉ đơn giản là khách du lịch, người đi lang thang vào cửa hàng của bà.

Khi chúng tôi ngồi trong quán cà phê của bà, trò chuyện bên tách cà phê tươi, rất nhiều khách hàng nước ngoài tấp vào quán. Một người đàn ông Mỹ khó tính hỏi kỹ càng nhân viên về quả trình và xuất xứ của hạt cà phê anh ta đang xem xét mua. Sau anh ta, hai phụ nữ người Đức cũng đến cửa hàng và muốn chắc chắn hạt cà phê họ mua được sản xuất nội địa và đem lại lợi nhuận cho người trồng cà phê Việt Nam.

Tiếp sau đó có vài người Anh tầm tuổi trung niên lần đầu tiên đi du lịch châu Á đến và họ đã mở to mắt đầy ngạc nhiên khi biết Việt Nam cũng sản xuất cả cà phê.

Bà Kim Lai tin rằng sự thiếu công nhận cà phê Việt Nam trên toàn cầu đang từng bước thay đổi. Số lượng cà phê xuất khẩu lớn chưa hẳn tạo được danh tiếng cho quốc gia xuất khẩu đó. Tuy nhiên, chất lượng tăng cao sẽ tạo nên điều đó. Sự đa dạng của cà phê Việt Nam cũng là một điểm nổi bật, ví dụ như cà phê chồn – một đặc sản trong quán của bà.

Dù tên như vậy nhưng loại cà phê trên không liên quan đến chồn. Thay vào đó là cầy hương, một loại động vật có vú sống về đêm ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Những hạt cà phê được cầy hương nuốt, tiêu hóa và thải ra. Quá trình đi qua đường tiêu hóa của động vật biến đổi hạt cà phê trở nên "ngọt ngào, đậm đà hơn”, như bà Kim Lai nói. Sản phẩm cà phê chồn được bán với giá 550 USD/kg.

Loại cà phê độc đáo này của Việt Nam là một trong số những loại cà phê đắt nhất trên thế giới và được săn tìm bởi nhiều người đam mê thức uống này.
 

Kim Lai Cafe có mối quan hệ thân thiét với những người trồng và sản xuất cà phê chồn ở tỉnh Đắk Lắk cùng với rất nhiều loại cà phê phong phú khác. Đây là vùng đất ẩm ướt, màu mỡ ở trung tâm cao nguyên Việt Nam, nơi phần lớn cà phê được trồng.

Bà Kim Lai cho biết bà hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ tập trung phát triển chất lượng hơn là số lượng của cà phê xuất khẩu, một điều gì đó thiêng liêng giống như là đạo đức kinh doanh mà bố chồng bà Kim Lai đã truyền cho bà 30 năm trước. Sự xuất sắc của cà phê, không nằm trong khối lượng mà bạn bán, mà là thương hiệu và uy tín của bạn trong việc phân phối.

Ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam liệu có phát triển theo đúng con đường đó?

Bà Kim Lai hy vọng như vậy.

Tú Anh (theo The West Australia)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến