Dòng sự kiện:
Phú Thị (Gia Lâm): Người dân kêu cứu vì trúng thầu đấu giá nhưng không được nhận đất
01/05/2018 20:34:03
Người dân không được nhận lại đất sau khi hợp đồng thuê thầu đáo hạn và chủ thầu mới cũng không được nhận đất trong hơn 1 năm kể từ ngày trúng thầu.

Đó là câu chuyện đang diễn ra ở thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm theo đơn phản ánh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang, bà Nguyễn Thị Bích Thủy.

Trong đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang cho biết, lãnh đạo thôn Hàn Lạc đã tổ chức một hội nghị nhân dân vào ngày 8/4/2017 để thanh lý hợp đồng thuê thầu khu đồng Mả Khoái với chủ thầu cũ và tổ chức đầu thầu công khai để tìm ra người thuê mới.

Hiện trạng khu đất được thôn Hàn Lạc sau khi đấu giá nhưng người thắng không được nhận để khai thác sản xuất.

Theo đó, lãnh đạo thôn Hàn Lạc (đại diện cho 177 hộ gia đình có diện tích đất ở đồng Mả Khoái, tổng diện tích 6 mẫu 3 sào) có ký hợp đồng cho thầu đất với bà Đỗ Thị Mấn vào ngày 10/03/2004. Hợp đồng có thời hạn 13 năm, kết thúc vào ngày 10/03/2017.

Tuy nhiên, lãnh đạo thôn Hàn Lạc đã không tiến hành thanh lý hợp đồng với bà Đỗ Thị Mấn trong hội nghị diễn ra vào ngày 8/4/2017, và gia đình bà Mấn vẫn tiếp tục canh tác, sản xuất tại đồng Mả Khoái trong hơn 1 năm qua, bất chấp thực tế vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang mới là những người chiến thắng ở cuộc đấu thầu gần nhất với giá 1 triệu đồng/sào trong 10 năm.

Ông Quang cũng đã thanh toán gần 500 triệu đồng cho hơn 100 hộ gia đình có diện tích đất ở đồng Mả Khoái. Nhưng sau hơn 1 năm kể từ ngày trúng thầu, gia đình ông Quang vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất với lãnh đạo thôn Hàn Lạc. Chủ thầu cũ Đỗ Thị Mấn cũng không giao trả diện tích ruộng mà ông Quang đã thắng thầu.

“Quả bóng trách nhiệm” thuộc về ai?

Trong hơn 1 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị cho lãnh đạo thôn Hàn Lạc và UBND xã Phú Thị để “cầu cứu”, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Trả lời phóng viên Báo Xây dựng về câu chuyện đấu thầu ở đồng Mả Khoái, trưởng thôn Hàn Lạc, ông Đặng Hải Phận cho biết: Việc đấu thầu diễn ra hết sức đột xuất, ngay cả trưởng thôn cũng “bất ngờ”.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND xã Phú Thị, khi hợp đồng thầu đất của bà Mấn với lãnh đạo thôn Hàn Lạc đáo hạn vào tháng 3/2017, bà Mấn sẽ thỏa thuận với các hộ dân và gửi danh sách về UBND xã để tiếp tục thuê đất.

Nói cách khác, UBND xã Phú Thị và lãnh đạo thôn Hàn Lạc không có chuẩn bị cho cuộc đấu thầu diễn ra vào ngày 8/4/2017. Nhưng khi hội nghị nhân dân diễn ra thì cuộc đấu thầu lại được tổ chức một cách đột xuất theo nguyện vọng của đa số người dân.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Quang là người trả giá cao nhất, 1 triệu đồng/sào. Bà Nguyễn Thị Mấn chỉ đồng ý trả 700.000 đồng/sào, nhưng vẫn tự thỏa thuận được với hơn 50 hộ gia đình để thuê 1/3 diện tích đất ở khu đồng Mả Khoái.

Cũng theo trưởng thôn Đặng Hải Phận, bà Mấn vẫn “bỏ hoang”, không chăm sóc 2/3 diện tích đất Mả Khoái mà ông Nguyễn Văn Quang đã thắng thầu trong hơn 1 năm qua. Chỉ có cây trồng và cá thả từ ngày trước thì gia đình bà... vẫn thu hoạch như bình thường.

Thực tế, 2 hộ gia đình từng đề cập đến vấn đề chia ruộng để canh tác, nhưng Bài Toàn này lại không dễ giải quyết, vì diện tích đất thầu của 2 bên xen kẽ lẫn nhau như cài răng lược chứ không hề phân biệt rạch ròi.

Để giải quyết vấn đề này, bà Mấn có đề nghị: “Nếu gia đình anh Quang có thiện chí làm ruộng, anh thuê của các hộ ở vị trí nào, tôi sẽ san phẳng mặt bằng ruộng để trả cho gia đình anh làm”.

Nhưng gia đình ông Quang đã không đồng ý với cách giải quyết này với lý do diện tích ruộng bị chia nhỏ rất khó canh tác và chuyện xác định chính xác diện tích của hơn 100 hộ dân phức tạp, cần đến sự giúp đỡ của chính quyền xã. Ngoài ra, ông Quang cũng yêu cầu bà Mấn thanh lý hợp đồng, san phẳng mặt bằng để giao trả ruộng cho người dân để dân tự quyết định cho ai thuê đất.

Trong một số lần hòa giải, gia đình ông Nguyễn Văn Quang cũng từng đồng ý cho bà Mấn tiếp tục thầu toàn bộ diện tích đất ở ruộng Mả Khoái, với điều kiện bà Mấn phải trả tiền lãi cho hơn 500 triệu đồng tiền thuê đất trả cho người dân trong hơn 1 năm qua (tính theo lãi suất ngân hàng). Gia đình bà Mấn đã không đồng ý với đề nghị này và sự việc tiếp tục rơi vào bế tắc.

Theo lời ông Phận, lãnh đạo thôn Hàn Lạc không đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề đất cát. Sau khi tổ chức hòa giải không thành, lãnh đạo thôn Hàn Lạc đã chuyển hồ sơ vụ việc cho UBND xã Phú Thị trực tiếp giải quyết.

Hòa giải bất thành, hơn 100 hộ dân cũng mất lợi ích

Sự bế tắc trong việc giải quyết chuyện thầu đất ở đồng Mả Khoái không chỉ khiến gia đình anh Nguyễn Văn Quang không nhận được ruộng, không quay vòng được vốn mà ngay cả những hộ dân đồng ý cho anh Quang thuê đất cũng không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ đồng Mả Khoái trong hơn 1 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Xuân, một người dân đã nhận tiền và đồng ý cho gia đình ông Nguyễn Văn Quang thầu đất ở đồng Mả Khoái, chia sẻ: “Hiện tại, gia đình bà Mấn vẫn chưa trả đất cho tôi và nhiều hộ gia đình khác ở đồng Mả Khoái. Chúng tôi nhiều lần có ý kiến ở các cuộc họp dân, nhưng thôn thì đẩy cho xã, còn xã thì lại đẩy cho thôn”.
“Bây giờ, tôi có nguyện vọng lấy lại phần đất của mình ở khu vực đồng Mả Khoái. Theo đúng tinh thần biên bản đấu thầu giữa chính quyền thôn với gia đình bà Mấn, yêu cầu gia đình bà Mấn có trách nhiệm san sẻ mặt bằng, trả lại ruộng cho người dân, sau khi hết hạn hợp đồng. Sau đó có đấu thầu như thế nào thì người dân sẽ tự quyết định”.

Ông Xuân cũng nhấn mạnh, ông và nhiều hộ dân khác có thể cho gia đình bà Mấn tiếp tục thuê đất, nếu nhận được một số tiền hợp lý, cụ thể ở đây là 1 triệu đồng/sào, ngang bằng với mức giá của gia đình ông Quang.

Theo ông Xuân, lãnh đạo thôn Hàn Lạc đã đại diện cho hơn 177 hộ dân đấu thầu với gia đình bà Mấn vào năm 2004 thì bây giờ cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ người dân lấy lại diện tích đất đã hết hạn cho thuê.

Bên cạnh đó, ông Xuân còn cho biết, gia đình bà Mấn đã vi phạm điều khoản của hợp đồng thầu đất ký vào năm 2004 khi đào ao thả cá và bán đất cho một công ty gạch. Dù sau đó an ninh thôn đã tiến hành ngăn chặn việc bán đất của gia đình bà Mấn, nhưng diện tích ruộng của người dân ở đồng Mả Khoái cũng đã không còn nguyên vẹn như xưa.

Tuy nhiên, trưởng thôn Đặng Hải Phận lại khẳng định: Gia đình bà Mấn đã nhận được sự cho phép của UBND huyện Gia Lâm mới tiến hành đào ao.

Trong biên bản hòa giải được lập vào ngày 6/4/2018, Chủ tịch Lê Văn Huy có đại diện UBND xã Phú Thị chỉ đạo 2 gia đình chủ động giải quyết vấn đề trước ngày 20/4/2018.

Sau thời hạn nêu trên, nếu 2 gia đình vẫn không thể thống nhất phương án xử lý, UBND xã Phú Thị sẽ ban hành thông báo về kết quả giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Quang. Nhưng tính cho đến thời điểm hiện tại, ông Quang vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ UBND xã Phú Thị.

Những thông tin mới nhất về sự việc này sẽ được Báo Xây dựng chuyển đến bạn đọc trong thời gian tới.

Theo Báo Xây dựng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến