Dòng sự kiện:
Phúc thẩm “đại án” Phạm Công Danh: Kiến nghị làm rõ tài liệu có dấu hiệu làm giả?
05/01/2017 18:54:29
Hôm nay (5.1.2017) phiên tòa phúc thẩm “đại án” Ngân hàng TMCP Xây dựng VN – VNCB, do nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng diễn ra khá “nóng”. Luật sư đề nghị cần làm rõ, điều tra về nguồn gốc bản fax có dấu hiệu giả mạo. Các bị cáo là người lao động làm công, làm thuê làm mướn cho Phạm Công Danh đều cho rằng mình bị lợi dụng, không hay biết việc “bị lừa” để làm giám đốc Cty, ký hồ sơ vay tiền tỷ dẫn đến thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

 

Chiều nay, luật sư Trương Thị Minh Thơ và luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, cùng bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân gửi tiền tại VNCB đã đồng loạt gửi kiến nghị đến Hội đồng xét xử (HĐXX), trong đó đặc biệt là kiến nghị làm rõ tài liệu có dấu hiệu bị làm giả.

Các cá nhân gồm Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang gửi tiền tại VNCB trên 6 sổ tiết kiệm, tổng giá trị 303,5 tỷ đồng. Các sổ tiết kiệm này đã bị VNCB tự ý dùng để cho vay 300 tỷ đồng mà không có hồ sơ vay, không có bất cứ chứng từ, chữ ký nào của chủ sở hữu sổ tiết kiệm. Bị truy cứu, các bị cáo nại ra việc cho vay có sự đồng ý của chủ sổ tiết kiệm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đưa ra một tài liệu được cho là bản fax hồ sơ vay vốn của Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi tới VNCB, Nguyễn Thị Mỹ Dung khẳng định không hề ký, không hề gửi bất cứ bản fax nào cho VNCB. Đại diện VKS yêu cầu Nguyễn Thị Mỹ Dung xác nhận số fax trên tài liệu được đưa ra có phải là của Cty Tân Hiệp Phát hay không? Trong buổi sáng nay (5.1.2017), đại diện VKS  công bố kết quả xác minh số fax trên tài liệu trên là của Cty Tân Hiệp Phát, VKS sẽ sử dụng tình tiết này để tranh luận.

Về bản fax này, theo luật sư Trương Thị Minh Thơ, tài liệu được cho là bản fax trên đã được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm và luật sư đã khẳng định tài liệu này có dấu hiệu ngụy tạo, làm giả, đề nghị điều tra làm rõ, cho đến nay, chưa có bất cứ kết quả điều tra nào về tài liệu này, kể cả tại phiên tòa phúc thẩm đang diễn ra. Luật sư Thơ đã đề nghị HĐXX xác định: “Tài liệu được cho là bản fax này ở đâu ra, do ai cung cấp, là bản gốc hay bản sao, nếu là bản sao chụp, thì bản chính ở đâu, ai đang giữ; nếu là bản gốc thì căn cứ nào để xác định đây là bản fax còn nguyên gốc; nếu không có bản chính, không có bản được coi là bản fax gốc, thì có gì đảm bảo tài liệu được cho là bản fax đã xuất hiện tại tòa trên không bị ngụy tạo, không bị cắt dán, làm giả?”.

Luật sư Thơ cho rằng: “Nếu chỉ dừng lại ở số fax trên tài liệu là của ai, mà không điều tra, làm rõ đến cùng nguồn gốc, tính chân thực, sự phù hợp của tài liệu và các nội dung khác, thì sẽ không đảm bảo được việc xác định sự thật khách quan của vụ án, có thể gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận”.

Theo kiến nghị của luật sư, phiên tòa sáng 4.1.2017, khi luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên xét hỏi, HĐXX có lưu ý các nội dung không thuộc Bản án sơ thẩm nên không xem xét trong phiên tòa phúc thẩm, như liên quan đến phần chi trả lãi ngoài tại VNCB; mối quan hệ vay mượn cá nhân ông Phạm Công Danh với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích là các quan hệ dân sự khác. Trước đó, luật sư Uyên đã có Bản kiến nghị gửi HĐXX về việc chỉ xét hỏi những vấn đề liên quan đến vụ án và thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm.

Trong các phiên tòa trước, xét hỏi về số tiền 5.190 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích, đại diện VKS, các luật sư của các bị cáo đã có rất nhiều câu hỏi về nội dung, chi trả lãi trong, lãi ngoài; mối quan hệ vay mượn giữa Trần Ngọc Bích, Trần Quí Thanh và Phạm Thị Trang, Phạm Công Danh; các khoản vay đã tất toán tại VNCB. Đây cũng chính là những vấn đề luật sư Uyên hỏi nhưng đã được HĐXX lưu ý trong ngày 4.1.2017, do vậy, để chấp hành sự điều hành của HĐXX nên luật sư đã không hỏi nữa.

Theo luật sư Uyên, mặc dù cho rằng các vấn đề trên không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm, nhưng vì diễn biến phiên tòa và chưa biết quan điểm của HĐXX, luật sư phải đặt các câu hỏi liên quan đến các vấn đề này để khẳng định: Không có căn cứ xác định việc VNCB chi trả lãi ngoài quy định cho bà Trần Ngọc Bích; Các khoản vay với VNCB đã tất toán, các giao dịch dân sự của ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích và cá nhân khác không thuộc phạm vi của vụ án này.

Luật sư Uyên kiến nghị HĐXX duy trì quan điểm giới hạn phạm vi của phiên tòa phúc thẩm theo luật định và đã công bố. Trong trường hợp HĐXX quyết định xem xét các vấn đề ngoài phạm vi đã công bố, để đảm bảo công bằng, thì cho luật sư Uyên được trở lại xét hỏi những nội dung mà phiên tòa sáng hôm qua (4.1./2017) đã không được hỏi do chấp hành sự điều hành của HĐXX, vì cùng một nội dung này, thì đại diện VKS và các luật sư của các bị cáo thì có được hỏi, còn luật sư Uyên thì chưa được hỏi.

Cũng trong diễn biến phiên  toà hôm nay, khi xét hỏi Phạm Công Danh và nhóm bị cáo liên quan tới khoản vay của các Cty “con” Tập đoàn Thiên Thanh gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng, thì các bị cáo được nhờ đứng tên làm giám đốc các Cty “con” đều là bảo vệ, rửa xe, lái xe ... được “nhờ” đứng tên giúp, họ không điều hành hoạt sộng sản xuất, mà chỉ ký hồ sơ “ma” để vay hàng trăm tỷ mà họ đều không hay biết.

Bị cáo Nguyễn Minh Quân (nguyên giám đốc Cty An Phát) cho rằng, lúc trước đang làm bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh, “bỗng” được HĐQT nhờ  đứng tên giùm (giúp) chứ có biết làm giám đốc ra sao? Bị cáo Quân cho rằng, mình kháng cáo là xin xem xét hoàn cảnh gia đình. Bị cáo Diệu (nguyên giám đốc Cty Toàn Tâm) cho rằng mình được nhờ làm giám đốc, từ lương nhân viên “quèn” bỗng lúc đầu lãnh lương 5 triệu, sau 10 triệu/tháng, thế là “giám đốc” ký vay tiền mà không nhìn vay bao nhiêu, sau này bị cáo mới biết vay đến 260 tỷ đồng, bị cáo biết việc làm mình là sai.

Riêng bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho rằng lỗi vi phạm bị cáo có vai trò quan trọng, xin giảm nhẹ. Bị cáo Mai cũng liên tục cho rằng mặc dù chi rất nhiều tiền cho lãi ngoài, nhưng khi hỏi bằng chứng thì Mai lại cho rằng không có.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến