Đảo lộn kế hoạch ôn thi, thí sinh hoang mang
Nhiều học sinh lo lắng, nếu kỳ thi THPT năm 2020 phục vụ chủ yếu cho xét tốt nghiệp thì có nghĩa là một số trường đại học tự tuyển sinh. Như vậy, học sinh sẽ phải trải qua nhiều lần thi với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau trong khi đến nay nhiều trường đại học còn chưa công bố thi thế nào.
Em Minh Hoàng, học sinh lớp 12 (Hòa Bình) chia sẻ, theo công bố của Bộ thì khoảng 3 tháng nữa sẽ đến kỳ thi, nhưng việc Bộ đột ngột thay đổi phương án thi khiến Hoàng lúng túng không biết ôn thi ra sao và chọn trường như thế nào. Hoàng chia sẻ: “Khi xác định thi vào trường đại học (ĐH) tốt thì em đã chủ động học và ôn từ đầu nhưng việc ôn và học ở đây là theo lộ trình như những năm trước, chứ không phải ôn theo kiểu như năm nay. Mục tiêu của em là trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những năm gần đây chúng em đều ôn theo kiểu thi toán trắc nghiệm và các thầy cô chủ yếu cũng chỉ dạy phương pháp để thi trắc nghiệm, bỗng dưng Bộ nói kỳ thi này chủ yếu chỉ xét tốt nghiệp nên trường ĐH Bách khoa đã tổ chức thi riêng và môn toán sẽ thi tự luận. Làm sao chúng em xoay sở được trong khi còn chưa đầy 3 tháng sẽ thi?”.
Còn em Nguyễn Thị Hoa (Ninh Bình) cũng cho biết, dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng mới đây cả hai trường này đều thông báo sẽ tổ chức thi riêng và dự kiến thời điểm thi cũng trùng nhau là ngày 25/7. Vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa tìm hiểu quy chế tuyển sinh của các trường đại học và ôn theo hướng của từng trường khiến Hoa và các bạn rất hoang mang. Và cùng với đó sắp tới lên Hà Nội ôn luyện thi ra sao?
Phụ huynh Nguyễn Mai Hồng (Hà Nam) cho biết: Chính sách lớn ra đời vào “phút 89” đã gây áp lực quá lớn đối với HS và phụ huynh. Tới đây, học sinh sẽ dự 2 kỳ thi liên tiếp, trong bối cảnh học online với học “đứt bữa”, học xuyên suốt hè thế này! Nếu các trường ĐH tự tuyển sinh thì sẽ có hàng vạn thí sinh và người nhà đổ về địa điểm thi ở các thành phố lớn liệu có tạo áp lực căng thẳng không? Sự thay đổi này còn gây tốn kém cả về cả thời gian và tiền bạc cho xã hội!
Sẽ phải trải qua 2 kỳ thi?
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, hiện nay có tỉnh cho phép học sinh trở lại trường học, có tỉnh vẫn nghỉ, cách ly, làm sao mà đồng bộ cả nước được vì thế phương án này là hợp lý. Việc đỗ tốt nghiệp sẽ không quá khó đối với HS có học lực trung bình khá trở lên. Với học sinh giỏi, nhiều em còn thích thi riêng để đảm bảo công bằng hơn là dùng điểm thi tốt nghiệp để xét.
Cô Lê Hoài Nga, giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, nhìn ở góc độ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản giữ ổn định cách thức thi cử như các năm trước. Đồng thời, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh có nghĩa các trường vẫn sẽ sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Với những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng thì thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, các trường sẽ công bố đề minh hoạ để các em sớm có hướng ôn tập. Còn lại phần lớn các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì các em vẫn thực hiện đăng ký như các năm trước. Ở thời điểm này các em tránh hoang mang, đánh mất tâm lý ôn thi để ảnh hưởng đến kế hoạch vào ĐH.
Trước những băn khoăn lo lắng của học sinh và phụ huynh về việc có thể phải tham gia 2 kỳ thi để tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chỉ có khoảng 10% trường top trên tự tổ chức thi, cùng các trường quân đội, công an và các trường y có đặc thù tuyển sinh; còn lại vẫn lấy theo kết quả kỳ thi này để xét tuyển và khoảng 25% trường sẽ xét học bạ. Như vậy, không phải tất cả các trường đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng; chỉ một số trường top đầu tổ chức thi. Các trường top giữa có thể liên kết với các trường top trên để lấy kết quả tuyển sinh.
Hiện nay, trừ các trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội thì hầu hết vẫn tạm dùng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.
Lo ngại địa phương tổ chức thi tốt nghiệp
Một vấn đề nữa cũng khiến dư luận xã hội quan tâm, mặc dù đề thi vẫn do Bộ ra nhưng khâu tổ chức kỳ thi năm nay sẽ do UBND tỉnh, thành phố tổ chức. Nếu không có sự tham gia của các đối tác khác như các trường đại học... thì dễ dẫn đến lợi ích địa phương, xảy ra tiêu cực không mong muốn như đã từng xảy ra.
Ngày 27/4, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi công văn góp ý về việc tổ chức kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Theo đó, Hiệp hội bày tỏ hoàn toàn ủng hộ phương án này tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm trong năm 2020, với những trường thuộc top đầu hoặc trường năng khiếu thì sau khi sơ tuyển qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, nên có thêm một kỳ thi trung tuyển do trường tự tổ chức. Những trường thuộc top giữa và top cuối nên tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cách xét tuyển như vậy có thể không công bằng...”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.
Trước lo ngại này, mới đây ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Thứ nhất, về đề thi, chúng ta vẫn sử dụng dạng thức đề thi trắc nghiệm khách quan. Riêng với môn Ngữ văn sẽ thi hình thức tự luận. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Về công tác coi thi, bên cạnh cán bộ coi thi trong mỗi phòng thi sẽ có thêm lực lượng giám sát ở bên ngoài phòng thi. Về công tác chấm thi, thực hiện quy trình chấm chặt chẽ, nghiêm túc. Qua năm 2019, chúng ta thấy hiệu quả đã khẳng định được sự nghiêm túc của quy trình này. Chúng ta tiếp tục hoàn thiện và phát huy quy trình đó cả trong chấm tự luận và trắc nghiệm”.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Bên cạnh đó, giải pháp tổng thể là tăng cường công tác thanh tra. Ngoài thanh tra từ Bộ, Sở, sẽ có thanh tra từ tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập để thanh tra, giám sát tất cả các khâu.
“Đây là kỳ thi nhằm đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm của học sinh, do đó, việc phân loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu là cần thiết trong đề thi. Từ đó, các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào kết quả này để phục vụ cho công tác tuyển sinh”, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy