Lên kế hoạch vận hành Dự án Nhơn Trạch 3 vào cuối năm 2024, nhưng chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân khách quan, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán POW) tiếp tục chia sẻ kế hoạch vận hành 2 dự án Nhơn Trạch 3&4 trong năm 2025.
Ông Trương Việt Phương, Phó tổng giám đốc PV Power cho biết, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 dự kiến vận hành thương mại tháng 6/2025, còn Nhiệt điện Nhơn Trạch 4 dự kiến vận hành tháng 9/2025.
Tháng 10/2024, PV Power chính thức ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán điện, cam kết tối thiểu 35% tỷ lệ điện năng qua hợp đồng (Qc) cho dự án, còn tỷ lệ Qc dài hạn vẫn chưa được xác định.
Theo thiết kế ban đầu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 có tổng công suất 1.624 MW, tổng vốn đầu tư 32.486,9 tỷ đồng (30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay). Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ tại COP26 và bổ sung 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, do sử dụng cơ cấu nợ vay lên tới 70%, khi đi vào vận hành, Dự án Nhơn Trạch 3&4 cũng sẽ gây áp lực trích lập khấu hao và chi phí lãi vay ngay lập tức.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo, Dự án Nhơn Trạch 3&4 có thể phải chịu lỗ hoặc chỉ đạt mức lợi nhuận khiêm tốn trong những năm đầu hoạt động (giai đoạn 2025-2026) do chịu áp lực chi phí khấu hao và tài chính đáng kể, cùng với mức tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn chưa được đảm bảo.
Chứng khoán SSI ước tính, năm 2025, PV Power có thể ghi nhận tổng doanh thu tăng 30%, lên 37.318 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 4%, về 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính tăng 95%, lên 1.075 tỷ đồng (năm 2024 chi phí tài chính dự kiến là 551 tỷ đồng).
Được biết, để triển khai Dự án Nhơn Trạch 3&4, PV Power ký các hợp đồng vay vốn, bao gồm khoản 200 triệu USD từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC); 821,5 triệu USD (cả vay ngắn hạn và dài hạn) tại Citibank và ING; khoảng 4.000 tỷ đồng từ Vietcombank.
Tính tới ngày 30/9/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của PV Power đã tăng 57,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 7.283,1 tỷ đồng, lên 19.962 tỷ đồng và bằng tới 57,6% tổng vốn chủ sở hữu (tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của PV Power trong năm 2021 và năm 2022 chỉ 27% và tăng lên 37% trong năm 2023).
Đáng lưu ý, tại thời điểm 30/6/2024 (thời điểm 30/9/2024 không thuyết minh nguồn gốc khoản vay), PV Power đang dư nợ 4.983,7 tỷ đồng bằng USD, 5.204,8 tỷ đồng bằng VND.
Có thể thấy, trong giai đoạn triển khai Dự án Nhơn Trạch 3&4, PV Power gia tăng sử dụng nợ vay, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án nên không chịu áp lực tài chính. Tuy nhiên, tới khi chính thức vận hành, PV Power sẽ phải hạch toán chi phí tài chính, đồng thời trích lập khấu hao nhà máy, vì vậy sẽ gây áp lực nhất định tới lợi nhuận ròng, chưa kể còn chịu áp lực tỷ giá liên quan tới khoản vay bằng USD.
Theo tìm hiểu, PV Power niêm yết đầu năm 2019 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Công ty này sở hữu hàng loạt dự án nhiệt điện, cũng như thủy điện quy mô trên cả nước, vì vậy khi niêm yết đã thu hút được sự quan tâm, cũng như nhiều kỳ vọng vì hoạt động trong ngành tương đối ổn định, hàng rào gia nhập ngành khó vì chi phí vốn đầu tư dự án lớn.
Nhưng kể từ khi niêm yết tới nay, kết quả kinh doanh của PV Power có dấu hiệu thụt lùi khi ghi nhận lợi nhuận đạt đỉnh 2.854,89 tỷ đồng trong năm 2019, sau đó liên tục giảm các năm sau đó và ghi nhận mức thấp kỷ lục trong năm 2023, chỉ đạt 1.283 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, PV Power ghi nhận lợi nhuận giảm 49,7%, từ 2.553 tỷ đồng, về 1.283 tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 9%, về chỉ còn 4,5%. 9 tháng của năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 0,7%, lên 21.686,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 1.111 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
PV Power cũng như các doanh nghiệp sản xuất điện khác, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó dòng tiền, dẫn tới công nợ gia tăng.
Được biết, kể từ khi niêm yết, cổ phiếu POW đạt đỉnh ngày 18/2/2019, với 16.690 đồng/cổ phiếu, nhưng nhanh chóng giảm trở lại khi tình hình kinh doanh liên tục đi lùi, tính tới ngày 22/11/2024 chỉ còn 11.400 đồng/cổ phiếu, giảm 31,7% so với đỉnh hồi đầu năm 2019.
Có thể thấy, dù PV Power sở hữu nhiều lợi thế và thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, nhưng từ khi niêm yết tới nay, kết quả kinh doanh của PV Power chưa tăng trưởng như kỳ vọng.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy