Dòng sự kiện:
PVOIL ước lãi 295 tỷ đồng quý I/2022
13/04/2022 10:04:43
Với kết quả này, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam đã vượt 136% kế hoạch theo quý và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL) vừa tổ chức Hội nghị lần thứ IX (mở rộng) nhằm sơ kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL trong quý I/2022.

Theo đánh giá của phía PVOIL, quý I/2022, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động.

Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, cùng các lệnh trừng phạt khiến nguồn cung dầu bị thiếu hụt dẫn đến giá dầu leo thang. Giá dầu thế giới liên tục tăng, trong khi nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động và nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kênh bán lẻ của tổng công ty.

Trong quý I/2022, tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 875.000 m3/tấn, đạt 105,2% kế hoạch quý và 26,3% kế hoạch năm.

Doanh thu hợp nhất quý I ước đạt 17.800 tỷ đồng, đạt 158,2% kế hoạch quý và 39,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 295 tỷ đồng, vượt 136% kế hoạch quý và 60% mục tiêu năm.

So với quý I/2021, doanh thu của PVOIL tăng 51% và lợi nhuận tăng gần 43%. Tổng công ty cho biết các đơn vị trong toàn hệ thống PVOIL đạt kết quả kinh doanh khả quan, không có đơn vị nào bị lỗ.

Ngày 28/4, PVOIL sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên qua hình thức trực tuyến. Hiện doanh nghiệp chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên.

Theo báo cáo thường niên 2021, năm 2022, PVOIL đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế riêng công ty mẹ dự kiến là 320 tỷ đồng, giảm 44% so với năm ngoái.

Năm 2021, PVOIL ghi nhận 57.836 tỷ đồng doanh thu, tăng 15,6% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 773 tỷ đồng, cải thiện đáng kể khoản lỗ 166 tỷ đồng năm trước. Như vậy, PVOIL đã vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và vượt 132% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trước đó, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước quý II/2022, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II, với tổng sản lượng 2,4 triệu m3. Trong đó, lượng xăng nhập là 840.000 m3, còn dầu hơn 1,56 triệu m3.

10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giao nhập khẩu, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro); Công ty Xuyên Việt Oil; Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Thiên Minh Đức; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec).

Trong số này, Petrolimex có số lượng nhập lớn nhất, trên 1 triệu m3, kế đến là PVOIL với gần 489.000 m3....

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến