Quá khứ thất bại và bê bối của tỷ phú thế giới Hoàng Kiều
19/09/2014 15:15:32
ANTT.VN – Trước khi được vinh danh trên bảng vàng “1000 người giàu nhất thế giới” của Forbes, cái tên Hoàng Kiều tại Việt Nam đã đột nhiên mất hút cùng một dãy những sự việc bê bối và thất bại.

Tin liên quan

Ông Hoàng Kiều vừa lọt top 1000 tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn

Theo tin tức của Forbes, ông Hoàng Kiều hiện là doanh nhân có tài sản tăng nhanh nhất trong danh sách tỷ phú của tạp chí này tính tới trung tuần tháng 9/2014. Với tổng giá trị tài sản chạm mốc 2,8 tỷ USD đã đưa ông Hoàng Kiều xếp hạng thứ 633 trong top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Vậy nhưng trong quá khứ tại quê nhà, cái tên Hoàng Kiều lại gắn những lùm xùm bê bối và thất bại như việc khiến cả dư luận xôn xao với thông tin đưa cuộc thi “Hoa hậu thế giới 2010” về Tiền Giang”, “thâu tóm Cty CP du lịch Tiền Giang – Tigi Tour”…

Nợ tiền mua đất tổ chức thi “Hoa hậu Thế giới”

Đầu năm 2009, người dân Tiền Giang xôn xao với thông tin đại gia Hoàng Kiều tuyên bố đưa cuộc thi “Hoa hậu thế giới 2010” về Tiền Giang, cụ thể là cù lao Thới Sơn (nằm giữa sông Tiền, TP.Mỹ Tho), chứ không phải ở Nha Trang.

Cù lao Thới Sơn nằm trên sông Tiền, sát cạnh thành phố Mỹ Tho, đô thị cổ kính có hơn 330 năm tuổi. Trước đây, khu du lịch Thới Sơn được quản lý bởi Công ty Du lịch Tiền Giang. Từ khi cầu Rạch Miễu được thông xe, cù lao Thới Sơn nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư du lịch. Trong số này, đại gia Hoàng Kiều, chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn RAAS Hoa Kỳ, là nhà đầu tư nhà có nhiều dự án táo bạo để khai thác tiềm năng phát triển du lịch của cù lao Thới Sơn.

Nhưng ảo mộng “đình đám” đưa các người đẹp chân dài từ khắp năm châu bốn biển về cù lao Thới Sơn để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010 đã đổ bể. Cuộc thi sắc đẹp không có; những dự án phát triển du lịch cũng im ắng, dang dở, và đại gia Hoàng Kiều thì... không biết giờ đang tổ chức thi Hoa hậu ở đâu?

Có thể vì quá hào hứng mà ông Hoàng Kiều quên rằng việc chuyển cuộc thi Hoa hậu thế giới từ Nha Trang về Tiền Giang chưa được Chính phủ cho phép, cù lao Thới Sơn cũng khó đáp ứng các điều kiện cần thiết cho cuộc thi lớn như thế.

Ông Hoàng Kiều và các Hoa hậu tại Nha Trang năm 2008

Bi hài nhất xung quanh chuyện vỡ mộng thi HHTG chính là chuyện mua bán đất giữa đại gia Hoàng Kiều và bà Tư Đoàn. Khi cuộc thi hoa hậu thế giới không được tổ chức tại cù lao Thới Sơn, bà Tư Đoàn vẫn đinh ninh ông Hoàng Kiều sẽ trả đủ 17 tỉ đồng tiền mua đất còn thiếu nợ như đã hứa. Nhiều người bày tỏ âu lo, thì bà Tư nói cứng: “Hổng lẽ ông Hoàng Kiều là đại gia tận bên Mỹ, uy tín lẫy lừng mà quỵt tiền mua đất của một nông dân như tui”. Bà Tư nói cứng cũng phải, bởi lúc đầu đại gia Hoàng Kiều vẫn thực hiện chuyện trả góp tiền đất cho bà Tư đều đặn.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn, vị đại gia lắm tiền nhiều của chuyên chơi với HHTG bắt đầu giở chiêu khất nợ lần lần rồi cuối cùng thì im hơi lặng tiếng.

Sau nhiều lần đòi nợ không được, bà Tư mới nhớ đã 3 lần đại gia Hoàng Kiều hứa hẹn cù nhầy với số tiền mua đất còn nợ. Đến lúc này thì bà Tư phải lên tiếng than rằng: Ai ngờ một "đại gia" danh tiếng như ông Hoàng Kiều đến hồi cũng phải thiếu nợ và hành xử không sòng phẳng trong quan hệ mua bán.

Không thể chần chừ vì đất đai đã làm giấy tờ chuyển quyền sử dụng, sở hữu cho phía đại gia Hoàng Kiều, bà Tư nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Thới Sơn, nhưng trong tất cả lần UBND xã giải quyết, đại gia Hoàng Kiều đều vắng mặt. Không thể chịu đựng hơn nữa, bà Tư làm đơn kiện đại gia Hoàng Kiều ra tòa.

Vụ kiện kéo dài để cuối cùng đi đến kết quả bất ngờ: đại gia Hoàng Kiều chấp nhận bỏ 13 tỉ đồng tiền đặt cọc, trả đất lại cho bà Tư để khỏi phải trả thêm 17 tỉ đồng tiền nợ, bởi nếu có ra tòa thì vẫn phải trả tiền do thua kiện. Về phía bà Tư, từ chỗ mất ăn mất ngủ vì nguy cơ mất đất, mất tiền thì tự dưng đất đai “châu về hợp phố”, đồng thời lại được hưởng lợi số tiền 13 tỉ đồng đặt cọc của đại gia Hoàng Kiều.

Nhiều người dân Mỹ Tho nói, số bà Tư đỏ còn hơn những người trúng số độc đắc, bởi 2,3 ha đất của bà bán cho đại gia Hoàng Kiều, lúc bình thường kêu bán 3 tỉ đồng cũng chẳng ai thèm mua.

Hơn thế nữa, báo giới còn phanh phui ra nhiều chuyện, dưới danh nghĩa chủ tịch HĐQT Công ty này và người đem cuộc thi HHTG về Tiền Giang, đại gia Hoàng Kiều còn được UBND tỉnh Tiền Giang ưu ái cho thuê nhiều khu đất vàng với giá rẻ như bèo để khai thác, kinh doanh du lịch.

Ông Hoàng Kiều bị tỉnh Tiền Giang phạt 35 triệu đồng về việc xây dựng trái phép. Sau đó, ông đã cho dừng thi công tiếp hầu hết các hạng mục công trình, ngừng hoạt động nhiều cơ sở phục vụ du lịch như khu resort trên Cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành, khách sạn Sông Tiền…

Thâu tóm CTCP du lịch Tiền Giang – Tigi Tour

Thời điểm cổ phần hóa năm 2005, Tigi Tour có tới 10 khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… nằm trên diện tích đất công rộng 216.000 m2 và đều là những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, công ty này lại chỉ được định giá vỏn vẹn 7 tỷ đồng.

Tại phiên đấu giá cổ phần Nhà nước tại Tigi Tour vào tháng 8/2006, 147.000 cổ phần Nhà nước nắm giữ (tương ứng tỉ lệ 21%) được UBND tỉnh Tiền Giang đấu giá ra bên ngoài với giá khởi điểm 45.100 đồng/cp. Vượt qua Công ty Tống Linh Giang, ông Hoàng Kiều đã giành được số cổ phần này với mức giá 45.200 đồng/cp, tương ứng 6,64 tỷ đồng.

30% cổ phần Tigi Tour (210.000 cổ phần còn lại mà Nhà nước nắm giữ tại công ty) 3 năm sau đó, vào tháng 3/2009 cũng đã được bán đấu giá toàn bộ với giá khởi điểm 31.000 đồng/cp. Người trúng đấu giá lại chính là ông Hoàng Sammy Hùng (con trai ông Hoàng Kiều) với mức giá 36.000 đồng/cp (tức 7,56 tỷ đồng để sở hữu 30% Tigi Tour).

Sau đó, toàn bộ Tigi Tour đã được nhà ông Hoàng Kiều “nuốt gọn” khi ông tiếp tục mua gom 20% cổ phần bán ra lần đầu và 29% cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên công ty.

Cũng vì vụ bán cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài vi phạm quy định tại Thông tư 73/2003/TT-BTC ngày 31/7/2003 và Quyết định số 36 ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ “Các nhà đầu tư nước ngoài không được mua quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần” và bán với mức giá được cho là “rẻ mạt”, UBND tỉnh Tiền Giang đã kỷ luật hàng loạt cán bộ, trong đó có cả nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với việc đổ bể của các dự án liên quan đến kế hoạch đưa HHTG về Tiền Giang như đã đề cập ở trên, Tigi Tour được ông Kiều giao cho người nhà quản lý, điều hành. Công ty hoạt động cầm chừng cho đến tháng 1/2013, khi đại diện Sở Văn hóa Thể Thao & Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, 100% cổ phần Tigi Tour đã được ông Kiều chuyển nhượng cho bà Hoàng Thị Hoài Linh.

Mức giá chuyển nhượng và số tiền nhà ông Hoàng Kiều thu về được sau vụ đầu tư này không được công bố, song, có thể đây là thương vụ mà ông Kiều không lỗ, thậm chí là “thoát xác” thành công.

Ngoài ra, trong quá trình tìm đường phát triển kinh doanh ở Việt Nam, có tin ông Kiều đã góp vốn vào thương hiệu Bưởi Năm Roi Hoàng Gia để xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài, thế nhưng không thành công như mong đợi.

Diệu Ly (tổng hợp)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến