Dòng sự kiện:
Quá trình công bố Tài liệu ‘tuyệt đối bí mật’
22/08/2014 10:40:53
Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, tác phong, đạo đức và tình cảm cao đẹp của Người.


LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu là bài viết của TS Lưu Trần Luân, NXB Chính trị Quốc gia, một trong số ít người may mắn được giao nhiệm vụ tham gia quá trình xuất bản toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1989, sau khi Ban Bí thư ra Thông báo "Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969. Bên cạnh Người lúc lâm chung là tập thể Bộ Chính trị, những học trò xuất sắc và cộng sự thân cận của Người.
Ngay chiều ngày 3-9-1969, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào  để bàn và quyết định việc tổ chức Lễ quốc tang Hồ Chủ tịch với nghi thức trọng thể nhất, đồng thời quyết định công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn. Ảnh tư liệu

Ngày 9-9-1969, Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Di chúc của Người đã được Bộ Chính trị giao cho Nhà xuất bản Sự thật xuất bản và công bố cùng ngày quốc tang với số lượng lớn, được trình bày, in ấn trang trọng, tiện ích trong sử dụng và bảo quản được lâu dài, có thể xem như đỉnh cao của công nghệ in ở nước ta thời kỳ đó. Cùng với việc xuất bản thành sách, sau Lễ quốc tang, Di chúc của Người được nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đăng tải, công bố cả bút tích Di chúc của Người trên trang nhất.
Cùng với việc công bố Di chúc, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị raChỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị: "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch".
Ở chiến trường, năm 1970, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tổ chức in Di chúc của Người tại cơ sở in bí mật ởSài Gòn và phát hành rộng rãi ở vùng giải phóng và các đơn vị lực lượng vũ trang.
Khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn và một thời đại đột xuất, rực rỡ trong lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử. Đảng ta xem đây là một trong những văn kiện quan trọng nhất trong di sản tư tưởng mà Người dặn lại cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các thế hệ người Việt Nam.
Ngày 9-9-1969, tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hứa trước anh linh Người: Nén đau thương thành hành động cách mạng, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện lời thề danh dự trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này.

Bản bút tích di chúc Bác Hồ đề "Tuyệt đối bí mật". Nguồn: Cpv.org.vn

Tiếp tục sự nghiệp Người để lại, tập thể Bộ Chính trị - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã kiên định lãnh đạo đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến ngày toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thu giang sơn về một mối, thống nhất nước nhà về mặt nhà nước (1976), thực hiện trọn vẹn lời hứa trước anh linh Người.
Ngay sau khi Người qua đời, cũng như sau ngày thống nhất đất nước, căn cứ vào Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn để thực hành đoàn kết trong Đảng, dân chủ rộng rãi, thường xuyên phê bình và tự phê bình, giáo dục cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ vừa "hồng", vừa ''chuyên"; tiến hành nhiều kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, v.v. để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; tích cực hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế... như Người căn dặn.
Trên cơ sở quyết định của Bộ Chính trị, các cơ quan lưu trữ, bảo tàng, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường đã tiến hành nghiêm túc việc biên dịch, sưu tầm toàn bộ các bài nói, bài viết, bút tích của Người một cách có hệ thống.
Ngày 7-1-1978, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về việc xuất bản Hồ Chí Minh Toàn tập, thành lập Hội đồng chỉ đạo việc biên tập và xuất bản do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch. Bộ Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ nhất gồm 10 tập, kéo dài trong 10 năm, từ năm 1980 đến cuối năm 1989 thì hoàn thành. Văn bản cuối cùng của tập 10 in bản Di chúc đã được báo Nhân Dân công bố ngày 10-9-1969, Hội đồng xuất bản bộ sách đánh giá: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những văn kiện quan trọng nhất trong di sản tư tưởng quý báu của Người để lại, là ánh đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau.
Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, tác phong, đạo đức và tình cảm cao đẹp của Người.
Đón đọc Phần 2: Hồi ký Bác Hồ viết di chúc của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác và việc công bố những vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS Lưu Trần Luân
Vietnamnet.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến