Dòng sự kiện:
Quản lý cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam
18/10/2018 07:00:51
Một số quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xem cho vay ngang hàng như cho vay thực sự và cần quản lý như hoạt động tín dụng của các TCTD trong khi ở TQ lại coi đó là hệ thống trao đổi thông tin tài khoản vay...

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV và nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo phân tích về hoạt động cho vay ngang hàng và chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ nội dung của báo cáo để quý độc giả tham khảo.

Phương thức hoạt động, ưu điểm và rủi ro của cho vay ngang hàng

Cho vay ngang hàng hay gọi đúng hơn là cho vay trực tuyến (Peer-to-peer lending, viết tắt là P2P), là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng công nghệ (platform) để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay, không thông qua trung gian tài chính truyền thống (như ngân hàng thương mại, công ty tài chính hay quỹ tín dụng…). 

Theo đó, những bên tham gia P2P bao gồm: nhà đầu tư (bên cho vay), bên vay và các công ty P2P cung cấp nền tảng công nghệ kết nối và hỗ trợ bên cho vay và bên vay (gọi tắt là công ty P2P). Nhiệm vụ chính của các công ty P2P này bao gồm: cung cấp nền tảng công nghệ kết nối bên cho vay và bên vay; tiếp nhận đề nghị vay vốn; thẩm định đặc điểm, năng lực, chấm điểm bên vay, quyết định cho vay và đưa ra mức lãi suất cho vay tương ứng với mức độ rủi ro (thể hiện qua số điểm) của bên vay; phân bổ nguồn vốn huy động được từ các nhà đầu tư để cho vay; thu hồi nợ và trả cho nhà đầu tư; kiểm tra hành vi rửa tiền; tuân thủ pháp luật và chế độ báo cáo; quản lý rủi ro bao gồm cả việc lập quỹ phòng ngừa rủi ro (buffer funds) …v.v. Đổi lại, công ty P2P được hưởng phí dịch vụ từ cả nhà đầu tư và bên vay.

Tại các thị trường phát triển như Mỹ và Anh Quốc, cho vay trực tuyến vận hành gần giống như hoạt động đầu tư trái phiếu; theo đó, các khoản đầu tư được chia nhỏ dưới dạng chứng chỉ đầu tư và phát hành cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay thế chấp (mua nhà, ô tô…), tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp...v.v.

Mô hình cho vay này xuất hiện đầu tiên tại Anh Quốc vào năm 2005 với công ty P2P đầu tiên là Zopa (hiện nay công ty này vẫn là lớn nhất tại Anh Quốc với doanh số cho vay năm 2017 đạt 1,3 tỷ USD, doanh thu 61 triệu USD) và từ đó phát triển nhanh chóng trên thế giới. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD, và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.

Ưu điểm chính của cho vay trực tuyến được xét trên ba đối tượng khác nhau. Đối với bên vay, mô hình này giúp bên vay: (i) tiếp cận được nguồn vốn trong trường hợp khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, (ii) phí và lãi suất có thể thấp hơn so với cho vay tiêu dùng thông thường do tiếp cận trực tiếp, sử dụng nền tảng công nghệ và dựa trên dữ liệu lớn (Big data) để đánh giá và giao dịch, (iii) đáp ứng nhu cầu vay nhanh hơn do thủ tục, qui trình đơn giản hơn so với vay tiêu dùng thông thường, (iv) có thêm lựa chọn về vay vốn. Đổi lại, bên vay phải trả phí dịch vụ cho công ty P2P (ngoài lãi suất vay vốn). 

Đối với nhà đầu tư (bên cho vay), mô hình này: (i) cung cấp một kênh đầu tư, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, (ii) cung cấp nguồn thu khá hấp dẫn (lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu thông thường). Đổi lại, nhà đầu tư phải chịu rủi ro tín dụng (trường hợp bên bay không trả nợ), phải trả phí dịch vụ (có thể từ 0.7%-1%/năm) và phí quản lý khoản vay (từ 1%-6%/năm, tùy thuộc vào qui mô và đối tượng vay) cho công ty P2P…v.v. 

Đối với công ty P2P, đây là một lĩnh vực hoạt động mới, khai thác nền tảng công nghệ đã có, đem lại nguồn thu, đa dạng hóa hoạt động và tăng việc làm cho nhân viên. Bù lại, công ty P2P phải đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính và CNTT, quản lý rủi ro, duy trì và phát triển chuyên môn, uy tín mới có thể thu hút nhà đầu tư tham gia.

Mặc dù vậy, cho vay trực tuyến ẩn chứa 5 rủi ro chính, tập trung về phía nhà đầu tư. 

Thứ nhất, cho vay trực tuyến là hoạt động nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính, không được coi là hoạt động tín dụng thông thường, nên hiện nay chưa phải tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động cũng như các quy định về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng hay công ty quản lý đầu tư. Theo đó, hành lang pháp lý chưa có hoặc chưa đầy đủ, nên khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ. 

Thứ hai, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn so với bên vay, bởi vì tại nhiều quốc gia, bên vay vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định về bảo vệ người đi vay như các quy định về lãi suất, quyền được cung cấp thông tin, …trong khi nhà đầu tư lại không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như trong hệ thống ngân hàng, trong khi đó vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, pháp lý…v.v. 

Thứ ba, rủi ro đạo đức xảy ra khi: (i) bên vay không được trả nợ (do khách quan hay cố ý, dù có thể được bù đắp một phần tư công ty P2P), và/hoặc (ii) công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản (do khách quan hay cố ý), dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư. 

Thứ tư, khi khoản vay được thực hiện, công ty P2P sẽ thu phí dịch vụ trong khi nhà đầu tư chỉ nhận được tiền thanh toán từ công ty P2P khi bên vay trả nợ. Theo đó, trách nhiệm ràng buộc giữa công ty P2P và nhà đầu tư khá hạn chế, dẫn đến tranh chấp có thể xảy ra. 

Cuối cùng, những biến tướng của hình thức cho vay này (như công ty P2P lừa đảo, áp dụng lãi suất và phí cao ngất ngưởng bất chấp khả năng trả nợ của bên vay; hoặc bên vay trốn tránh trả nợ dẫn đến bên cho vay hoặc công ty P2P dùng mọi biện pháp kể cả thuê xã hội đen đòi nợ; nhà đầu tư không hiểu rõ mô hình hoạt động và khi mất vốn kéo đến cơ quan quản lý để đòi tiền như đã xảy ra tại Trung Quốc…) dẫn đến diễn biến rất phức tạp, hệ lụy kinh tế và xã hội khó lường.

Kinh nghiệm quản lý cho vay ngang hàng tại một số quốc gia trên thế giới

Quy định quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tại các quốc gia trên thế giới tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: (i) quy định về giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư, (ii) quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ, và (iii) quy định và hoạt động giám sát công bố thông tin.

Tại Mỹ, các quy định liên quan đến cho vay ngang hàng tập trung ở 4 mục chính. 

Thứ nhất là quy định về giới hạn vốn huy động. Theo đó, công ty P2P chỉ được huy động tối đa 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt cần xin phép riêng. Khi đó, số vốn huy động của công ty này được tính bằng tổng vốn huy động của toàn bộ các đơn vị do công ty này nắm quyền kiểm soát. Thứ hai là quy định về giới hạn đầu tư cá nhân. Theo đó, giới hạn đầu tư của một cá nhân được tính bằng tổng các khoản đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư đó trong vòng 12 tháng và không có trường hợp ngoại tệ. Giới hạn đầu tư được xác định tùy vào thu nhập hoặc tài sản ròng hàng năm của nhà đầu tư. Thứ ba là các tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động đối với công ty P2P - tương tự như điều kiện cấp phép hoạt động đối với công ty quản lý đầu tư tại Mỹ. Đồng thời, các công ty muốn huy động vốn từ cộng đồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Thứ tư là các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các công ty P2P.

Tại một số quốc gia Đông Nam Á: các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xem cho vay ngang hàng như hoạt động cho vay thực sự và cần được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, có quy định pháp lý về tiêu chuẩn cấp phép, trong đó có mức vốn tối thiểu, đội ngũ quản lý… đối với công ty P2P. Đồng thời, yêu cầu cơ quan quản lý có biện pháp thường xuyên giám sát, đánh giá tình hình tài chính, thông tin hoạt động của các công ty P2P cũng như đánh giá rủi ro tổng thể của thị trường cho vay ngang hàng này.

Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay ngang hàng (do quan niệm đây là hình thức đầu tư vốn). SC đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các công ty P2P, trong đó một số điểm đáng chú ý như lãi suất cho vay không vượt mức 18%/năm, chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgit (khoảng 1,2 triệu USD) mới được cung cấp nền tảng và dịch vụ cho vay P2P.

Tại Indonesia, việc quản lý hoạt động của các công ty P2P và fintech thuộc về Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK). Các công ty P2P (gồm cả Fintech tham gia dịch vụ này) phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiah (khoảng 67.000 USD) khi đăng ký và 2,5 triệu rupiah để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Các công ty P2P này phải ký quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động. Ngoài ra, OJK cũng đang xem xét quy định trần lãi suất đối với cho vay ngang hàng.

Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc

Cho vay ngang hàng bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, một phần là do tại Trung Quốc, khách hàng cá nhân và DNNVV rất khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nên đã tìm đến kênh cho vay này. Kết quả là, cho vay ngang hàng tại Trung Quốc thu hút tới 50 triệu người tham gia đầu tư với mức lãi suất từ 10%/năm trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng. Tính đến tháng 6/2018, thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD.

Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của Chính phủ, các công ty P2P tại Trung Quốc ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là hàng loạt công ty P2P phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 6/2018, hơn 400 công ty P2P đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền. Việc này đã trở thành vấn nạn xã hội khi nhiều nhà đầu tư đình công, biểu tình yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng này là cách tiếp cận sai của Chính phủ đối với hoạt động này. Trung Quốc đã coi cho vay ngang hàng là "hệ thống trao đổi thông tin khoản vay". Cách hiểu này đã khiến các quy định của Trung Quốc rất lỏng lẻo tạo kẽ hở cho các vi phạm và biến tượng dẫn đến hệ lụy đã xảy ra.

Sau hàng loạt vụ việc đổ vỡ như nêu trên, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, yêu cầu các công ty P2P còn hoạt động phải dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại, tăng cường hình phạt đối với các công ty P2P có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho nhà đầu tư khi các công ty P2P phá sản…v.v.

Thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam và một số gợi ý

Thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua nhưng đến nay đã có khoảng 10 công ty cho vay theo mô hình này và đang phát triển nhanh chóng, hiện có công ty mới thành lập được gần hai năm mà mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay. Xu thế phát triển cho vay ngang hàng tại Việt Nam được đánh giá là rất nhanh với lý do chính là: (i) dân số 96 triệu người với phần đông trong độ tuổi lao động, thu nhập đang tăng khá nhanh và người dân thích dùng công nghệ tiên tiến, (ii) khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng còn ở mức khiêm tốn so với khu vực (theo Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 40% người lớn có tài khoản ngân hàng so với tỷ lệ 80% của Trung Quốc hay 74% tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), và (iii) công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng.

Cũng như tại nhiều quốc gia đang phát triển khác, tại Việt Nam, xu thế phát triển cho vay ngang hàng diễn ra nhanh. Một mặt là hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn phi chính thức, đa dạng hóa kênh đầu tư. Mặt khác, do các công ty P2P và nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng, hoặc hoạt động biến tướng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy. Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số công ty P2P cho vay trực tuyến với lãi suất được phản ánh lên đến trên 100%/năm. Hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… diễn biến rất phức tạp. Tuy vậy, giống như một số nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam.

Một số gợi ý đối với Việt Nam

Cho vay ngang hàng là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế số, có xu thế phát triển nhanh với các lý do nêu trên. Do đó, chúng ta cần có cách tiếp cận đúng và trúng theo hướng không nên và cũng không thể cấm cho vay ngang hàng, mà thay vào đó cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình, rửa tiền…gây nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội. Theo đó, chúng tôi gợi ý một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động cho vay ngang hàng. Trong đó, cần qui định: (i) định nghĩa rõ cho vay ngang hàng (có thể giới hạn phạm vi, đối tượng chỉ gồm nhà đầu tư và bên vay là cá nhân như Anh Quốc và hạn mức khoản vay tối đa…),  ; (ii), cơ chế cấp phép đối với công P2P trên cơ sở xác định các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý và nhân viên…; (iii) đảm bảo an toàn hoạt động đối với công ty P2P cùng với quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty này (các qui định chủ yếu về vốn điều lệ, giới hạn vốn huy động, minh bạch thông tin,  tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ chủ chốt, hệ thống CNTT và quản lý rủi ro, quỹ phòng ngừa rủi ro, tính tuân thủ…v.v.); và (iv) các biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bao gồm quy định giới hạn đầu tư so với thu nhập của nhà đầu tư, quy định về giới hạn góp vốn của mỗi nhà đầu tư, quy định về quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm của công ty P2P đối với nhà đầu tư trong trường hợp xẩy ra đổ vỡ, yêu cầu các công ty P2P lập quỹ dự phòng rủi ro, mở tài khoản ủy thác tại bên thứ ba (có thể là tại các định chế tài chính) để quản lý tiền vốn của nhà đầu tư…v.v.

Thứ hai, nghiên cứu qui định, biện pháp quản lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền trên thị trường tài chính – tiền tệ (giữa thị trường cho vay ngang hàng với thị trường ngân hàng và chứng khoán nhằm ngăn chặn những rủi ro hệ thống, lan truyền có thể xảy ra…). Đây cũng là giải pháp nhằm góp phần ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ, cho dù quy mô và phạm vi hoạt động cho vay ngang hàng dự tính là chưa quá lớn, nhưng hệ lụy khó lường.

Thứ ba, cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có các trụ cột về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thức; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính – ngân hàng cũng như hoạt động cho vay ngang hàng này.

Thứ tư, để hoạt động cho vay ngang hàng phát triển an toàn, hiệu quả, cần chú trọng nâng cấp hạ tầng CNTT quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu lớn (big data), chính quyền điện tử, kiến thức và kỹ năng quản lý rủi ro CNTT cùng với việc xây dựng đội ngũ chuyên gia có hiểu biết sâu cả về lĩnh vực tài chính và CNTT…, từ đó không chỉ tạo nền tảng quản lý cho vay ngang hàng mà còn hỗ trợ cho cả thị trường tài chính – ngân hàng số nói chung.

Cuối cùng, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của việc phối kết hợp trên tinh thần đổi mới, cầu thị của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, hiệp hội, giới truyền thông và tổ chức dân sự khác mới có thể đảm bảo quản lý thông suốt, hiệu quả những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến