Mới đây, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã có văn bản giải trình liên quan đến dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.
Đây là khu đất liên quan vụ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lê Quang Thung - cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và nhiều đồng phạm để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" khi đất công biến thành đất tư.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc khẳng định Quốc Cường Gia Lai không liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Cụ thể, năm 2013, doanh nghiệp đã đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa đại diện để nhận chuyển nhượng 100% góp vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín, chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn.
Công ty Việt Tín và bà Lê Y Linh là bên được ủy quyền thực hiện của bên chủ sở hữu phần góp vốn chuyển nhượng này. Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng 100% vốn góp này do Quốc Cường Gia Lai chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ đồng.
"Quốc Cường Gia Lai chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp này", doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Theo văn bản giải trình, Quốc Cường Gia Lai đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý Công ty Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty TNHH Phú Việt Tín (chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn) được thực hiện giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty Việt Tín, ông Dừa và bà Linh là bên được ủy quyền thực hiện.
"Lý do quan trọng và chính đáng nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất việc chuyển nhượng cho Công ty TNHH TMTH Việt Tín 80% và Công ty CP ĐTTM Việt Tín 20% (giai đoạn 1 là 99%, giai đoạn 2 là 1%)", công ty nhấn mạnh.
Sau khi nhận chuyển nhượng dự án này, công ty đưa ra kế hoạch tập trung tài chính vào Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) nên dự án 39-39B Bến Vân Đồn phải chậm lại, không thể đầu tư 2 dự án cùng lúc. Từ đó, HĐQT quyết định bán dự án để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro.
"Khi tiếp cận, đàm phán và thương lượng, Quốc Cường Gia Lai nhận thấy đây là dự án đủ pháp lý theo quy định hiện hành, nên mới quyết định nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty Phú Việt Tín. Đại diện bên bán là bà Linh và ông Dừa có đăng ký giấy phép kinh doanh thể hiện rõ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM", công ty nêu rõ.
Theo Quốc Cường Gia Lai, việc có đấu giá hay không là pháp lý của dự án, do cơ quan chính quyền và UBND TP quyết định về pháp lý của dự án theo từng thời kỳ trước đây 10 năm.
Đồng thời, Quốc Cường Gia Lai nhấn mạnh tất cả giao dịch mua bán, chuyển nhượng, hoạt động kinh doanh, kết quả kinh doanh phát sinh trong kỳ đều được công ty thực hiện kê khai, hạch toán, báo cáo theo đúng quy định và chuẩn mực kế toán.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy