Ảnh minh hoạ.
El Salvador có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng tiền ảo Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp – Tổng thống Nayib Bukele tuyên bố trong một đoạn băng video phát tại hội nghị Bitcoin 2021 tổ chức ở Miami, Mỹ.
“Tuần tới, tôi sẽ gửi tới Quốc hội một dự luật đưa Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp”, ông Bukele nói.
Vị Tổng thống 39 tuổi lên cầm quyền từ năm 2019 hiện đang nắm đa số áp đảo trong Quốc hội El Salvador. Đảng của ông đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/2020, giành 56/84 ghế. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng dự luật Bitcoin của ông Bukele sẽ được thông qua, trang CNN Business cho hay.
Ông Bukele cũng cho biết El Salvador đã ký thoả thuận đối tác với công ty tài chính kỹ thuật số Strike để thiết lập hệ thống hậu cần cho việc dùng Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp.
“Hơn 70% dân số của El Salvador không có tài khoản ngân hàng. Họ nằm ngoài hệ thống tài chính”, CEO Jack Mallers của Strike nhấn mạnh. “Nước này đã đề nghị tôi giúp đưa ra một kế hoạch và họ coi Bitcoin là một đồng tiền đẳng cấp thế giới. Chúng tôi cần lên một kế hoạch Bitcoin để giúp những người này”.
Hiện tại, El Salvador sử dụng đồng USD làm đồng tiền chính thức.
Đa phần các ngân hàng trung ương trên thế giới đều nhận thấy tiềm năng của công nghệ tiền số, nhưng lại tỏ quan điểm hoài nghi với các đồng tiền ảo do khu vực tư nhân phát hành vì mức độ biến động quá lớn. Chẳng hạn, giá Bitcoin đã mất hơn một nửa giá trị trong năm nay sau khi thiết lập kỷ lục ở ngưỡng gần 65.000 USD. Hiện tại, đồng tiền số lớn nhất thế giới đang giao dịch dưới ngưỡng 36.000 USD.
Dù vậy, việc tiền ảo thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới đầu tư toàn cầu đã buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ngân hàng trung ương của Mỹ, phải nhìn thẳng vào những hạn chế của tiền giấy, đặc biệt trong các giao dịch thanh toán và chuyển tiền có thể phải mất thời gian vài ngày để hoàn tất. Giao dịch Bitcoin được hoàn thành gần như tức thì.
Một ưu điểm nữa là tiền ảo không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng. Thay vào đó, tiền ảo được giữ trong các ví kỹ thuật số. Nhờ đó, tiền ảo có thể giúp những người nghèo hơn, chẳng hạn một bộ phận lớn của dân số El Salvador hay các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, được tăng cường tiếp cận với tài chính.
Tổng thống Nayib Bukele của El Salvador - Ảnh: Reuters.
Tháng trước, bà Lael Brainard – một thành viên Hội đồng Thống đốc Fed – đã đề cập đến việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương bảo lãnh, an toàn và đáng tin cậy, nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán hiệu quả hơn và đưa dịch vụ tài chính tới những người Mỹ còn chưa được hệ thống ngân hàng truyền thống phục vụ đầy đủ.
Cũng trong tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong mùa hè này, Fed sẽ công bố một báo cáo cho biết quan điểm của Fed về những lợi ích và rủi ro nếu phát hành một đồng USD kỹ thuật số.
Tiền ảo như Bitcoin cũng là tiền kỹ thuật số, nhưng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ có sự khác biệt căn bản so với tiền ảo. Đó là tiền số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, thay vì được hậu thuẫn bởi một mạng lưới máy tính phi tập trung như tiền ảo.
Tác giả: Điệp Vũ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy