Dòng sự kiện:
Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ
28/03/2016 11:38:50
Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Tin liên quan

Mở đầu phiên thảo luận góp ý Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đánh giá cao nội dung đề cập báo cáo; đồng thời đại biểu góp ý thêm về hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đại biểu, nội dung giám của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn dàn trải, chưa cao, cần có sự điều chỉnh trong nhiệm kỳ tới…

Đại biểu cũng trao đổi thêm về những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội, đề nghị đổi mới phương pháp tổng hợp ý kiến ĐBQH, cách thức xin ý kiến ĐBQH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau…

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, cử tri đánh giá cao nỗ lực hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội… nhất là trong hoạt động lập hiến, lập pháp, hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn...

Cử tri chưa hài lòng với một ĐBQH vắng mặt trong các kỳ họp cuối khóa; việc lùi một số dự án luật; luật chậm đi vào cuộc sống; sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; đầu tư cho nông nghiệp, những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề hạn mặn... chưa có giải pháp xử lý căn cơ...

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội và các ĐBQH, và bày tỏ băn khoăn về chất lượng hoạt động của một số đại biểu; về vấn đề theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân;…

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng Bản báo cáo của Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan cả về những kết quả đã đạt được cả về những yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.

Ông cũng cho rằng nhiệm kỳ qua còn không ít vấn đề Quốc hội, ĐBQH chưa đáp ứng hết được những mong mỏi của cử tri; chưa tạo được cơ chế bứt phá để đất nước tiến nhanh "bằng bạn, bằng bè"; năng lực thực thi các quyết sách... Ông đề nghị bên cạnh hoàn thiện thể chế, nhiệm kỳ tới Quốc hội cần tập trung kiện toàn bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức... để nâng cao năng lực thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước. Ông Tâm cũng đề nghị nhiệm kỳ tới cần có thêm những giải pháp căn cơ trong phòng chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ ngư dân....

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng chất lượng kỳ họp Quốc hội và các quyết sách không ngừng nâng lên, sát thực tế hơn, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với Hiến pháp Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết,... để tạo lập khung khổ pháp lý, giải quyết  các vấn đề bức xúc cuộc sống; chất lượng các phiên chất vấn được nâng cao...

Tuy nhiên, hoạt động của Quốc hội cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới, nhất là trong xây dựng luật cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi luật không đi vào cuộc sống; việc lấy phiếu tín nhiệm cần quy định 2 mức tín nhiệm, không tín nhiệm; nâng cao số lượng, chất lượng ĐBQH chuyên trách để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn đáp ứng mong mỏi của cử tri;...

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH,...  đại biểu góp ý một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng luật, bảo đảm tính thực thi của luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn;....

Trước đó, sáng 22/3, trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong năm năm qua, toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu đều hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân; là đại biểu sống trong dân, được nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. Trong đó, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 

Bên cạnh đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, gạn lọc, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước; kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời chỉ ra những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế-xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật cần sớm được khắc phục, sửa đổi, bổ sung.

Nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương của Quốc hội cũng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII có cơ cấu khá hợp lý, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức; có năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động ngày một nâng cao; có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm; luôn tâm huyết, trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của đời sống xã hội; những nguy cơ, thách thức đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội cũng nêu rõ, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc…

Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; hoạt động đối ngoại của Quốc hội còn một số hạn chế, bất cập. Công tác tham mưu, dự báo chiến lược còn bị động; hoạt động của tổ chức nghị sĩ hữu nghị không thường xuyên, hình thức và nội dung hoạt động chưa phong phú…

* Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu Kiểm toán nhà nước đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện; Năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán nhà nước (184.486 tỷ đồng), trong đó 03 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 là 12.658 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản...

Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán Ngân sách nhà nước, phân bổ Ngân sách Trung ương chất lượng chưa cao...; công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin và thực hiện các quy chế phối hợp với các bộ ngành Trung ương, địa phương chưa thường xuyên, kịp thời; Bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện...

Theo Chinhphu.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến