Dòng sự kiện:
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô
16/06/2022 11:58:33
Sáng 16/6, với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 16/6, với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng thủ đô Hà Nội (Dự án).

Về sự cần thiết đầu tư Dự án, một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế-xã hội Dự án đối với Thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận, có ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ tình hình thực hiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội, để làm rõ hơn tính cấp bách của Dự án, tránh dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Dự án với vai trò liên kết vùng, giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; tách giao thông liên tỉnh với giao thông nội đô, giảm thiểu ùn tắc giao thông; thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương trong vùng.

Hiện nay, 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, bao gồm: Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5.

Theo báo cáo của Chính phủ, các tuyến vành đai này trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ hình thành và thông tuyến được khoảng 154km/179km (đạt khoảng 86%) của 5 tuyến đường vành đai, đối với các đoạn còn lại, hiện nay thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện để sớm hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai này.

Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác để giảm tải cho hệ thống giao thông nội đô và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực Vùng Thủ đô theo quy hoạch; do đó, việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ từng bước giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của thành phố và Vùng Thủ đô.

Về sự phù hợp với quy hoạch, Ủy ban Thường vụ cho rằng Dự án được lập trên cơ sở xem xét sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai bao gồm các quy hoạch: Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô; quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội...

Trên cơ sở đó, Dự án được lập với mặt cắt ngang quy hoạch có bề rộng nền đường 90-130m (gồm 06 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành). Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng thời 05 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải; nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; bảo đảm tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cập nhập Dự án trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch.

Về phạm vi, quy mô đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy hoạch đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội có quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120m; đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu dài khoảng 5,5km tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135m bảo đảm tuân thủ Luật Đê điều; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp, không có đường sắt song hành khó khăn về giải phóng mặt bằng có thể thu hẹp phần dự trữ tổng chiều rộng mặt cắt ngang 90m. Đối với đoạn Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có dự trữ quy hoạch bề rộng 30m để tương lai địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của địa phương. Để phù hợp với số liệu dự báo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn, Dự án được nghiên cứu phân kỳ đầu tư theo quy mô 17m, tương tự như tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đến nay, Hội đồng nhân dân của các địa phương có Dự án đi qua đã có nghị quyết và cam kết bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025. Đối với phần vốn còn lại trong giai đoạn 2026 - 2030, các địa phương cam kết thực hiện tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn cho Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin thể hiện nội dung này tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Về phương án hoàn vốn, có ý kiến đề nghị xem lại phương án hoàn vốn trong 21 năm là ngắn quá dẫn tới giá phí cao, đề nghị kéo dài thời gian thu phí để giảm mức phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đối với dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP, phương án tài chính của Dự án đã thể hiện các thông số đảm bảo tính hiệu quả về mặt tài chính với khung giá phí áp dụng phù hợp với quy định, thời gian thu phí 21 năm.

Thực tế trên cơ sở kết quả tổng kết triển khai, các Dự án BOT giao thông có thời gian thu phí trên 26 năm không có nhà đầu tư quan tâm, nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng là không khả thi do thời gian thu phí dài. Do đó, thời gian dự kiến thu phí 21 năm của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội là phù hợp để bảo đảm tính khả thi cho phương thức đầu tư này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về tiến độ hoàn thành các Dự án, có ý kiến cho rằng thời gian triển khai theo tiến độ yêu cầu rất ngắn, trong bối cảnh, nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng được triển khai thực hiện sẽ khó bảo đảm được tiến độ hoàn thành Dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để bảo đảm tiến độ cho Dự án, Chính phủ đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho Dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do đó, trường hợp được Quốc hội thông qua việc tổ chức thực hiện Dự án sẽ rút ngắn được thời gian hơn so với thông thường.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng kết công tác triển khai các dự án thời gian qua, trong đó đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Về các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án, một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện thành 2 năm từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua hoặc hoặc toàn thời gian thực hiện Dự án.

Một số ý kiến đề nghị áp dụng điểm d khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết cho đến khi hoàn thành Dự án. Có ý kiến đề nghị áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết trong thời hạn 3 năm; có ý kiến đề nghị áp dụng đến khi hoàn thành Dự án.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp điều chỉnh các nội dung tại điểm c, d khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết (về cơ chế chỉ định thầu và cơ chế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoán sản làm vật liệu xây dựng thông thường) trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp có vấn đề vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời tránh có thể dẫn đến việc lạm dụng các cơ chế đặc biệt trong khi quy định pháp luật liên quan đã tương đối đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện nội dung này tại điểm c và d khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết theo hướng các cơ chế đặc biệt này được áp dụng trong thời gian 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Thời hạn 2 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua là thời hạn để tiến hành việc chỉ định thầu và không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, còn việc thực hiện các gói thầu và khai thác mỏ khoáng sản sẽ được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án.

Các cơ chế tương tự tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Đối với trường hợp vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ, do chưa rõ nội dung Quốc hội sẽ ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, xin giữ như dự thảo Nghị quyết. Trong trường hợp có phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện, hằng năm Chính phủ có báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.../.

Tác giả: Diệp Trương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến