Sáng nay (13/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, 88,58% tổng số đại biểu tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; 86,17% tổng số đại biểu tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;
82,97% tổng số đại biểu tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; 87,37% tổng số đại biểu tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách.
Các Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Báo cáo giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, một số ý kiến cho rằng việc ban hành cơ chế đặc thù đối với các tỉnh trên cần cân nhắc để bảo đảm công bằng với các địa phương khác.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho các tỉnh, thành trên đều đã được các Nghị quyết của Bộ Chính trị quán triệt. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.
Về căn cứ thực tiễn, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với các TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo tác động lan tỏa vùng miền.
Các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá.
Thừa Thiên Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế. Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy