Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 gồm 4 điều. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh về chủ quyền biển, đảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung để nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này trong mục tiêu tổng quát.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020
Có ý kiến đề nghị nhấn mạnh công tác quản lý đất đai, bổ sung nội dung “nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, thể hiện như dự thảo Nghị quyết.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, về danh mục chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó giao Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó có chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân. Các chỉ tiêu này được xây dựng cho giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo đảm tính thống nhất, ổn định trong theo dõi và đo lường hàng năm. Việc bổ sung chỉ tiêu mới cần được xem xét, nghiên cứu cụ thể để báo cáo Quốc hội áp dụng cho giai đoạn tiếp theo.
Về tỷ lệ nhập siêu: Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp hỗ trợ đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất, chế biến của một số ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu; xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có thể dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao. Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ nhập siêu, xin Quốc hội cho giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu thực hiện.
Về tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%: Mặc dù mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong những năm vừa qua là như nhau, tuy nhiên việc duy trì tỷ lệ hộ nghèo giảm trong những năm cuối của nhiệm kỳ là khó khăn hơn các năm trước, vì bao gồm nhiều đối tượng nghèo đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật, neo đơn...). Do vậy, xin giữ mục tiêu giảm nghèo từ 1-1,5% thấp hơn so với năm trước.
Các chỉ tiêu khác của năm 2020 được tính toán trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2019 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2020. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ nguyên các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Trước đó, ngày 29/10/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến hết ngày 01/11/2019, Đoàn thư ký đã nhận lại được 291 ý kiến, trong đó có 235 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 56 ý kiến tham gia một số ý vào dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy