Tuyến đường Quốc lộ 13 luôn trong cảnh kẹt cứng vì 20 năm dự án không được xây dựng. Ảnh: Gia Huy
2 thập kỷ biến động của một con đường đau khổ
Quốc lộ 13 bắt đầu từ quận Bình Thạnh, chạy ngang bến xe Miền Đông nối vào tỉnh Bình Dương thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (gọi tắt dự án Bình Triệu 2). Theo đó, dự án có 2 giai đoạn gồm xây mới cầu Bình Triệu 2 và thực hiện cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường với tổng chiều dài hơn 10,6km, trong đó có 4,5km thuộc quốc lộ 13, tiếp giáp tỉnh Bình Dương, từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi, là đoạn đường đã xuống cấp nặng nhất.
Đặc biệt, Quốc lộ 13 là một trong những cửa ngõ quan trọng của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Từ tuyến đường này, sẽ nối TP.HCM vào tỉnh Bình Dương và Bình Phước rồi thông lên các tỉnh Tây Nguyên…
Vì quan trọng, nên ngày 23/10/2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 969/CP-CN, cho phép Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) được làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tài liệu từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy, sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư tiến hành phương án xây dựng, với số vốn bước đầu là 341 tỷ đồng. Ngày 3/2/2001 công trình chính thức khởi công, chủ đầu tư dự kiến thi công và đưa vào sử dụng trong vòng 30 tháng.
Tuy nhiên, tới tháng 7/2004, dự án mới chỉ được xây dựng cầu Bình Triệu 2, còn tuyến đường Quốc lộ 13 thì chưa thể xây dựng. Lý do được Cienco 5 đưa ra đó là phải tính toán lại vốn bởi tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã đội lên khá cao, từ đây số vốn đội lên hơn 1.200 tỷ đồng, với số vốn này, chủ đầu tư không thể thực hiện dự án và xin trả lại dự án lại cho TP.HCM.
Vậy là từ đây, dự án được UBND TP.HCM chuyển cho Sở Giao thông Công chính TP.HCM làm chủ đầu tư, thay đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố và hoàn vốn bằng nguồn thu phí giao thông.
Ngoài đổi chủ đầu tư, UBND TP.HCM cũng đổi luôn thiết kế tuyến đường. Cụ thể, đoạn đường quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi dài hơn 4,5km sẽ bổ sung xây dựng theo mặt cắt ngang rộng 53m thay vì 32m như dự án cũ. Tổng mức đầu tư dự án đội thẳng lên 1.692 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa tốn nhiều nhất là 1.285 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2006.
Nhưng, gần tới thời hạn hoàn thành dự án nhưng vẫn chưa thấy thực hiện xây dựng, để rồi cuối năm 2005, UBND TP.HCM lại chuyển dự án từ Sở Giao thông Công chính sang CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư.
Việc thay đổi này một lần nữa làm dự án lỡ hẹn hoàn thành, năm 2007 CII, tiến hành chia dự án thành 7 tiểu dự án. Trong đó, việc nâng cấp, mở rộng 4,5km đường quốc lộ 13 thuộc tiểu dự án 1. Cũng từ đó tới nay, dự án dừng triển khai xây dựng.
Có mặt tại tuyến đường Quốc lộ 13, Phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận sự nhếch nhác, điểm nóng kẹt xe, đặc biệt tuyến đường này hiện được xếp vào diện điểm nóng của ngập nước ở TP.HCM hiện nay.
Ông Từ Văn Bắc, 63 tuổi, một hộ dân sống tại tuyến đường Quốc lộ 13 cho biết, tới thời điểm này ông và hàng trăm hộ dân tại đây cũng chưa được biết dự án bao giờ mới tiếp tục triển khai, việc đền bù giải phóng mặt bằng thế nào cũng không được biết. Hiện chỗ nào mặt đường xuống cấp thành ổ voi thì được Sở Giao thông TP vá lại nhưng vì tuyến đường quá nhỏ mà lượng xe lưu thông lớn nên luôn trong tình trạng kẹt cứng không kể thời gian nào trong ngày.
“Nhà xuống cấp chúng tôi cũng không giám xây dựng hay sửa chữa vì nằm trong dự án quy hoạch, mưa hay thủy triều lên thì cả tuyến đường thành sông… Cuộc sống người dân tại tuyến đường này vô cùng khổ cực”, ông Bắc nói.
Vẫn mong ngày khởi công
Tháng 10/2019, Ban quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 13, đoạn từ chân cầu Bình Triệu kéo dài đến cầu vượt Bình Phước.
Trong tờ trình, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đưa ra dự kiến xây dựng dự án trước năm 2023 với vốn đầu tư gần 10,000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu lấy từ ngân sách, bao gồm hơn 1.300 tỷ dành cho chi phí xây dựng. Khoảng 8.100 tỷ dành cho chi phí giải phóng mặt bằng. Số vốn còn lại dành cho công tác xây dựng, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật và dự phòng,...
Thế nhưng, ngày 27/10/2020, Phóng viên Nhadautu.vn có mặt tại tuyến đường này và ghi nhận cảnh tượng tuyến đường vẫn gồng mình gánh lượng lớn xe cỗ từ TP.HCM đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước… và ngược lại. Bà Ngô Thị Nết, ngụ số nhà 580 Quốc lộ 13 cho biết bà và gia đình ở đây đã hơn 20 năm, tuyến đường này hiện nay không còn vỉa hè cho người đi bộ vì luôn trong tình trạng kẹt đường và các hộ kinh doanh lấn chiếm để kinh doanh.
“Tôi đã dự hàng chục cuộc họp về việc thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến đường đau khổ này, tất cả chúng tôi đều đồng thuận trong việc di dời để Thành phố xây dựng, mở rộng tuyến đường này. Nhưng tới nay, chủ đầu tư và TP.HCM lại không tiến hành chi trả tiền đền bù cho người dân”, bà Nết cho biết.
Còn phía chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) thì cho biết khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là vốn đầu tư đã tăng lên gấp 15 lần so với ban đầu nên đang khó khăn trong việc huy động vốn để tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng.
Việc dự án “treo 20 năm” này kéo theo hàng loạt hệ luy về kinh tế. Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP bất động sản Đại Phúc Land cho biết doanh nghiệp bà có dự án tại tuyến đường này từ những năm 2010, khi đó thông tin tuyến đường được xây dựng đã làm doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thay đổi được tình hình giao thống nên tiến hành phát triển dự án bất động sản. Thế nhưng tới nay dự án gần 200ha đã triển khai thì tuyến đường vẫn chưa triển khai. Và chính vì vậy, dự án phải phát triển cầm chừng, đợi tuyến đường Quốc lộ 13 triển khai thì doanh nghiệp mới đẩy mạnh hoàn thiện dự án để tránh tình trạng dân cư về ở đông làm gánh nặng giao thông cho tuyến đường này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương cho biết tuyến đường này thuộc dạng độc đạo nối Bình Dương với TP.HCM và đa phần hàng hóa sản xuất tại nhà máy của tỉnh Bình Dương phải chuyển ra cảng, nhà ga xe lửa, sân bay tại TP.HCM phải đi qua tuyến đường này… Tuy nhiên tuyến đường luôn trong tình trạng kẹt đường nên rất khó cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa nên đã dẫn tới cảnh kinh tế liên kết giữa hai tỉnh thành gián đoạn nặng.
Tác giả: Gia Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy