Dòng sự kiện:
Quy định room ngoại: Nên hay không?
25/09/2018 08:59:47
Khung pháp lý với lĩnh vực trung gian thanh toán và các tổ chức không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ này nói riêng đang được quy định trong Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101.

Dự kiến sẽ có một nghị định nữa sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Do một nội dung trong dự thảo nghị định sửa đổi này có liên quan đến Luật Đầu tư nên kế hoạch trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi được xác định là ngay sau khi dự thảo Luật Đầu tư được thông qua (dự kiến vào kỳ họp Quốc hội khóa 7 - tháng 5/2019).

Dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (nghị định sửa đổi) hiện đã được lấy ý kiến xong, gồm 29 điều trong quy định chung. Trong đó, giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ được quy định trong điều 28. Một trong các chính sách được đề nghị tại dự thảo nghị định sửa đổi là quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Với vấn đề này, NHNN nêu ra hai phương án. Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức trung gian thanh toán không hạn chế mà tùy tiềm lực kinh doanh của từng doanh nghiệp để tự quyết định.

Thứ hai, cũng là phương án NHNN đề xuất thực hiện, là chấp thuận sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Một mức room ngoại cụ thể chưa được NHNN đưa ra trong đề cương lần này. Ở thời điểm hiện tại, vốn ngoại ở một số tổ chức được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán đã vượt mức chi phối (51%). Điển hình như tại VNPT EPAY, ngoài phần vốn do tập đoàn VNPT sở hữu, 65% vốn thuộc về hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%); 90% vốn của 1Pay cũng đang do True Money nắm giữ.

Theo người viết, việc quyết định giới hạn nào cho sở hữu nước ngoài cũng đều có cả mặt lợi lẫn mặt hại. Điều thuận lợi dễ thấy nhất nếu quy định room là sẽ giúp cho nhà quản lý giảm bớt được những rủi ro chưa thể lường hết được khi các nhà đầu tư ngoại nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm là tiền tệ và thanh toán. Các vụ việc liên quan đến hoạt động thanh toán “chui” qua ví điện tử như WeChat hay Alipay của du khách Trung Quốc tại một số địa điểm du lịch gần đây đã và đang phát đi những tín hiệu cảnh báo. Nếu du khách Trung Quốc chỉ mua hàng hóa tại các cửa hàng của người Trung Quốc, vấn đề sẽ chỉ đơn giản là Việt Nam không thu được thuế. Nhưng nếu du khách Trung Quốc mua hàng tại các cửa hàng của người Việt Nam thì ngoài việc không thu được thuế thì còn có một hệ lụy rất lớn có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các dòng tiền đến và đi ra khỏi Việt Nam. Đó có thể là hoạt động rửa tiền hay chuyển tiền bằng ngoại tệ ra nước ngoài mà hoàn toàn không bị kiểm soát bởi NHNN.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc quy định room sẽ phần nào gây khó khăn đối với việc thu hút dòng vốn ngoại vào một lĩnh vực còn khá non trẻ và còn nhiều tiềm năng như dịch vụ cung cấp trung gian thanh toán phi ngân hàng tại Việt Nam. Chung quy lại vẫn là khả năng giám sát của cơ quan quản lý. Một giải pháp theo hướng thận trọng là nhà quản lý có thể quy định room cho nước ngoài trước, đợi đến khi khả năng giám sát đã được nâng cao đủ để quản lý hết rủi ro phát sinh thì có thể dần gỡ bỏ giới hạn về room.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến