Dòng sự kiện:
Quy hoạch nào điều chỉnh do lợi ích nhóm?
28/05/2019 08:10:28
Trong 5 năm đã có hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, nhiều cán bộ bị xử lý nhưng đâu là điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi như vậy khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Phiên giám sát tối cao của Quốc hội hôm nay (27/5) có sự đổi mới khi bên cạnh báo cáo của Đoàn giám sát kết hợp trình chiếu video để làm rõ vấn đề nêu ra.

“Treo” luôn cả quyền lợi người dân

Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, năng lực xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, dự báo tình hình còn những hạn chế, dẫn đến bức xúc của người dân vì quy hoạch treo và đã “treo” luôn quyền lợi của người dân như tình trạng tạm cư nhiều năm, không được làm bất cứ cái gì mới liên quan đến nhà ở và ngay trên mảnh đất của mình.

Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: Quy hoạch treo đã "treo" luôn quyền lợi của người dân

“Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền biết, doanh nghiệp biết nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân thì chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại tố cáo” – ông Diến nói.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hoá đặt vấn đề trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, mặc dù 5 năm qua đã có hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì bày tỏ, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này, từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8b Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hà Nội) hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn.

“Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân” – ông Nhân nêu quan điểm.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương cũng đặt vấn đề, thay vì quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết lại được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng.

“Những sai phạm này có phải cố tình gạt đi lợi ích được các nhà lập pháp khóa XIII trân trọng trao cho nhân dân Thủ đô và các cấp quản lý, những gì họ đấu tranh để có được từng nút bấm thì giờ đây thành quả đã đi đâu, phục vụ cho ai?” – ông Nhân băn khoăn và đặt vấn đề Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng.

“Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời” – ông Nhân đặt vấn đề.

Cứ phản ánh, kiểm tra nhưng... vẫn cho điều chỉnh

“Điều đầu tiên tôi thực sự băn khoăn đó là những tồn tại hạn chế và vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch quản lý và sử dụng đất đai đô thị được đoàn giám sát chỉ ra thì đều diễn ra ở tất cả các khâu của quá trình quản lý” - đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nói và cho rằng cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước và làm rõ năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ được giao trực tiếp trong lĩnh vực này để làm rõ đâu là năng lực yếu, đâu là có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đâu là sự buông lỏng trong công tác quản lý?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Điều chỉnh quy hoạch còn diễn ra khá tuỳ tiện

Dẫn việc điều chỉnh quy hoạch còn diễn ra khá tuỳ tiện, ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, đây là một vấn đề mà lâu nay cử tri, báo chí phản ánh khá nhiều, khi tình trạng hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch đều gặp phải sự phản đối của cộng đồng dân cư, nhưng nhiều dự án vẫn được các cơ quan chức năng hợp thức hóa cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư.

Theo báo cáo cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 đến 6 lần đã phản ánh về chất lượng công tác quy hoạch cũng như thực trạng việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

“Cử tri cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch như trên là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh thì vẫn cứ diễn ra” – ông Nguyễn Thanh Hiền nói.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát tổng thể tình hình sử dụng đất đai trong cả nước, kịp thời khắc phục vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, có biện pháp xử lý và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến