Dòng sự kiện:
Quy mô gói phục hồi kinh tế: Như liều thuốc cho người ốm, bao nhiêu là đủ?
03/11/2021 16:40:14
Quy mô gói phục hồi kinh tế nên được tính toán ra sao, bao nhiêu sẽ hợp là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Một chuyên gia ví von, nó giống như "liều thuốc", đúng liều lượng, đúng bệnh mới hiệu quả.

Việc đi vay là cần thiết để kiến tạo không gian phát triển mới, có sức lan tỏa nhưng cũng cần thiết phải xem đòn bẩy tài chính đó hiệu quả thế nào, nguyên tắc cơ bản là lợi ích mang lại với nền kinh tế phải lớn hơn chi phí vay nợ (Ảnh: Hải Long).
 
Quy mô gắn với sức hấp thụ
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19. Chương trình được đánh giá là rất cấp thiết để Việt Nam không lỡ nhịp trong bối cảnh cả thế giới đang quá trình hồi phục sau đại dịch.

Năm 2021, quy mô tổng các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương hơn 2,8% GDP. Con số này được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định còn thấp. Các chính sách chủ yếu vẫn nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn còn thiếu các giải pháp dài hạn tổng thể nhằm tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện sức chống chịu nền kinh tế với các cú sốc trong tương lai.

Chia sẻ với Dân trí, một số chuyên gia cho rằng gói quy mô trong thời gian tới dự kiến có thể lên tới 800.000 tỷ đồng. Thực tế quy mô của gói hỗ trợ sẽ là bao nhiêu vẫn chưa được chốt, song khi bàn về gói hỗ trợ này, chuyên gia Lê Duy Bình nhấn mạnh đến yếu tố hiệu quả từ liều lượng thích hợp.

Ông cho rằng nền kinh tế sau đại dịch cần thiết một gói hỗ trợ để kích thích nền kinh tế, giống như "người ốm" cần thuốc. Song hiệu quả ra sao thì cần đúng "thuốc", đúng "liều lượng". "Quá liều cũng không tốt, không đúng bệnh cũng không được…", chuyên gia Lê Duy Bình chia sẻ với Dân trí.

Theo ông, các gói kích thích là cần thiết, quan trọng ở thời điểm này. Song như bất kỳ một quốc gia, doanh nghiệp nào khi phải sử dụng đòn bẩy tài chính, cần phải tính toán được lợi ích mang lại đối với nền kinh tế.

"Tôi quan tâm tới việc sử dụng đồng vốn ra sao, giải ngân thế nào, đối tượng, phương thức hoàn trả. Việc đó phải song song, gắn liền với việc xác định quy mô", ông Bình cho hay. Ông đặt giả thiết, nếu lên tới 800.000 tỷ đồng thì việc giải ngân một gói hỗ trợ lớn như vậy sẽ phải được tính toán chi tiết gắn liền với sức hấp thụ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân, để từ đó xác định xem gói đó đúng liều lượng chưa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng thông tin, Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội.

Không bàn chi tiết về quy mô gói hỗ trợ song ông lưu ý các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Đồng thời các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện thì phải gắn với tình hình hiện nay.

"Gói chính sách cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh, như việc trợ sản xuất, tiêu dùng..." - ông Cường lưu ý thêm các gói chính sách cần tính toán hiệu quả trong việc triển khai.

Quy mô lớn nhưng hấp thụ kém, đối mặt rủi ro gì?

Quy mô gói kích thích ra sao và sự hiệu quả của nó trong việc triển khai là vấn đề được quan tâm. Chuyên gia Lê Duy Bình lo ngại với giả thiết tiền bơm vào nền kinh tế quá nhiều (gần 10% GDP) nhưng triển khai không hiệu quả có thể dẫn đến nhiều rủi ro như vấn đề lạm phát, mất cân đối vĩ mô, bong bóng tài sản, các công trình kém chất lượng, rủi ro tham nhũng…

"Với quy mô gói hỗ trợ lớn, nó sẽ tác động rất lớn đến kinh tế. Nếu sử dụng hiệu quả thì là điều rất tốt. Các dự án được thực hiện mà tạo tiền đề tăng trưởng cho tương lai nếu tăng tốc độ rót vốn thì hiệu quả, khơi thông nguồn lực. Những doanh nghiệp có khả năng phát triển, cạnh tranh, đầu tư công nghệ mới, tạo lợi nhuận tốt, có khả năng trả nợ nếu được cung cấp nguồn vốn hiệu quả thì còn gì bằng… Song cần chú ý đánh giá kỹ cả tác động tích cực lẫn tiêu cực", ông Bình nói.

Phân tích về cơ cấu các nguồn huy động để phục vụ cho gói hỗ trợ kinh tế như phát hành trái phiếu Chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế…, một chuyên gia chỉ ra rằng, cần làm rõ được những tác động của vay nợ với các cân đối lớn của nền kinh tế, khả năng trả nợ, hiệu quả đồng vốn…

Việc đi vay là cần thiết để kiến tạo không gian phát triển mới, có sức lan tỏa nhưng cũng cần thiết phải xem đòn bẩy tài chính đó hiệu quả thế nào, nguyên tắc cơ bản là lợi ích mang lại với nền kinh tế phải lớn hơn chi phí vay nợ.

Khi tham chiếu với các nền kinh tế khác về quy mô gói hỗ trợ cũng chỉ được xem như tham khảo bởi cơ cấu mỗi nền kinh tế là khác nhau. Vấn đề quan trọng là "bắt mạch" được vấn đề kinh tế của Việt Nam. Nếu vay nợ, cần tính toán kỹ với các chỉ tiêu về tổng thu ngân sách, trần nợ công, trần nợ chính phủ và tỷ lệ bội chi...

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cũng nhấn mạnh, việc phục hồi nền kinh tế của nước ta cần triển khai nhanh và sớm bằng cả hai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo đó, ông kiến nghị một gói kích cầu khoảng 10% GDP. Trong đó, hai vấn đề chính trong nội dung hỗ trợ được đại biểu quan tâm đó là phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm xây dựng nông nghiệp nông thôn ổn định, bền vững. Bởi nông nghiệp đã là trụ đỡ cho nền kinh tế qua hai lần khủng hoảng, là khủng hoảng tài chính năm 2008 và lần này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, việc phục hồi phải diễn ra nhanh chóng, sử dụng nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả, giải pháp khả thi, thực hiện được ngay, thậm chí có thể phi truyền thống.

"Việt Nam xác định theo hướng sản xuất phải an toàn với dịch bệnh. An toàn sinh mệnh và sinh kế là hai mặt của một vấn đề, chúng gắn liền với nhau. Song chúng ta không thể nhấn quá mạnh y tế mà quên sinh kế", ông Cung nói.

Huy động nhiều nguồn lực

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết 2021 là một năm vô cùng khó khăn khi dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt thời gian dài trên diện rộng. Vấn đề được đặt ra là làm sao để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế .

Không chỉ tài chính Nhà nước, ông Phớc cho biết việc đảm bảo tài chính doanh nghiệp, người dân để phát triển cũng được tính toán. Do vậy, việc tạo ra các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu tăng lên trong giai đoạn phục hồi là cần thiết.

"Chúng tôi sẽ thiết kế từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo sự hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi thì sau đó tăng thu, giảm chi ngân sách, kéo giảm bội chi", Bộ trưởng Tài chính nói.

Cụ thể, 4 vấn đề theo ông Phớc, cần được tập trung để thúc đẩy phục hồi cho doanh nghiệp, đó là vốn, tháo gỡ thể chế, thị trường, nguồn nhân lực.

Riêng về vốn, Bộ trưởng cho biết đang tham mưu Chính phủ các gói kích thích kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất. Gói hỗ trợ lãi suất lấy từ nguồn ngân sách Trung ương, ước chừng khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. 2 năm là khoảng 40.000 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ là khoảng 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng đủ điều kiện để vay phát triển sản xuất. Một số lĩnh vực được hưởng hỗ trợ theo tiết lộ từ người đứng đầu Bộ Tài chính, đó là du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, các dự án công trình hạ tầng trọng yếu, trọng điểm quốc gia…

Ông Phớc cũng thông tin thêm, sẽ có đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước, huy động USD nhàn rỗi trong dân cư, phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo chính sách tiền tệ.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần thiết có thể phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, thúc đẩy rồi quay vòng vốn để đảm bảo kinh tế phát triển. Theo kế hoạch giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng bội chi, nhưng sang năm 2024 khi kinh tế hồi phục phát triển sẽ giảm, nhiệm vụ bội chi 5 năm vẫn đảm bảo.


Tác giả: Nguyễn Mạnh

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến